Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất được tự nghiên cứu, tự cân đối, huy động vốn để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Khái toán sơ bộ của VEC cho biết tổng mức đầu tư mở rộng các đoạn đề xuất khoảng hơn 14.786 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Bao gồm, chi phí xây dựng ước gần 10.800 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 800 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng.
Đơn vị quản lý tuyến cao tốc này đã đề xuất tự bố trí nguồn vốn để mở rộng cao tốc, đồng thời nếu được chấp thuận, dự án dự kiến được thực hiện từ quý IV-2022 đến quý I-2026.
Theo phân tích của VEC, dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 6/2016 với chiều dài khoảng 54 km. Từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng xe cộ tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm.
VEC phân tích thêm: Trên lý trình tuyến cao tốc đoạn từ nút giao An Phú (Thủ Đức, TP.HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km0 - Km25+920) quy mô 4 làn xe đã mãn tải, nhu cầu thông qua hiện vượt 25% so với năng lực thông hành của tuyến và đến năm 2025 (dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đi vào khai thác) vẫn mãn tải. Còn đoạn từ nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết quy mô 4 làn xe có thể khai thác ổn định đến năm 2030. Riêng đoạn từ nút giao Phan Thiết - Dầu Giây đến nút giao Dầu Giây quy mô 4 làn xe như hiện nay có thể khai thác ổn định đến năm 2040.
Từ những phân tích trên, VEC cho rằng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hiện không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Ngoài ra, đến năm 2025, dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác (giai đoạn 1), sẽ khiến cho tình trạng quá tải của tuyến cao tốc hiện nay càng trở nên quá tải, không thể đáp được khả năng thông hành.
Do đó, VEC kiến nghị tự nghiên cứu, huy động vốn đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920) với chiều dài khoảng 21,92 km.
Trong đó, đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 đến nút giao đường Vành đai 3 (Km4+000 - Km8+770) đề xuất mở rộng quy mô lên 8 làn xe. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) đề xuất mở rộng quy mô 10 làn xe.
Riêng đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao đường Vành đai 2 (Km0 – Km4+000) dài 4 km và đầu tư mở rộng nút An Phú, VEC đề nghị để TP.HCM đầu tư do đoạn này VEC đã bàn giao cho TP.HCM vận hành, bảo trì và khai thác.
Trước đó ngày 15/9/2022, VEC kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phương án đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dài 21,92 km) từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe. Nguồn vồn như sau: Tổng mức đầu tư khoảng 14.896 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước là 6.164 tỷ đồng (chiếm 44,4%), vốn do VEC huy động 7.718 tỷ đồng (chiếm 65,6%).
Bộ Giao thông vận tải sau đó nhận định rằng, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 4 lên 8 làn là chưa phù hợp. Thứ nhất, giai đoạn 2021 – 2025 không còn vốn đầu tư công trung hạn được bố trí; thứ 2, chưa phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Lập luận cho kiến nghị lần này, VEC cho rằng nếu được bổ sung vốn ngân sách cho dự án, thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào quý III-2027, không đáp ứng được nhu cầu cấp bách là phải hoàn thiện đồng bộ với dự án sân bay quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Bắc – Nam. Mặt khác, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mặc dù không gây nhiều áp lực cho vốn ngân sách, vẫn khó khăn ở chỗ huy động vốn của chủ đầu tư và phải mất thêm thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (ít nhất một năm).
Ngoài ra, VEC cũng cho rằng mình đã thực hiện đầu tư và đang khai thác dự án giai đoạn 1. Do vậy, phương án VEC tự đầu tư theo hình thức tự huy động vốn sẽ bảo đảm thời gian triển khai dự án nhanh chóng, đáp ứng tiến độ đưa vào sủ dụng từ quý I-2026, và tránh bị xung đột lợi ích trong quá trình đầu tư, vận hành sau này.
Về nguồn vốn tự huy động, VEC cho biết vốn điều lệ của Tổng công ty dự kiến tăng lên hơn 49.562 tỷ đồng là bảo đảm khả năng tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án.
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, nối TP.HCM – Đồng Nai, có tổng chiều dài toàn tuyến 55,7 km.
Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 03/10/2009 với quy mô 4 làn xe. Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 997,67 triệu USD (tương đương 20.630 tỷ đồng).
Dự án được sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Công trình được thông xe một phần vào tháng 8/2024 và thông xe toàn tuyến vào tháng 02/2015.