Theo quyết định, các dịch vụ trung gian thanh toán gồm dịch vụ ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ và chi hộ.
Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, đây là bước tiến rất quan trọng để VETC đảm bảo lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC. Bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC có thể được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, xăng dầu… cũng như một số dịch vụ khác theo quy định.
“Việc đầu tư, hoàn thiện các điều kiện theo giấy phép cũng giúp tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với giao dịch, số dư tài khoản ETC”, lãnh đạo Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho hay.
Bên cạnh tuân thủ quy định chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải về hoạt động ETC, VETC còn phải tuân thủ thêm các quy định giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán, tăng cường tính công khai minh bạch tài khoản ETC, nâng cấp hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật…
VETC cho biết mong muốn khai thác hiệu quả hạ tầng ETC đã có để triển khai dịch vụ trung gian thanh toán theo tinh thần xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung, tận dụng và khai thác hiệu quả hạ tầng đã có để triển khai các dịch vụ thành toán cho người dân với chi phí thấp.
Tính tới thời điểm tháng 10/2022, Việt Nam có 48 đơn vị không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Như vậy, việc được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán gồm dịch vụ ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ và chi hộ, VETC là đơn vị mới nhất tham gia “sân chơi” này.