Hiện nay, trong số 10 nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới thì có đến 6 đại diện đến từ Trung Quốc gồm CATL, BYD, CALB, Gotion High Tech, Sunwoda và Farasis Energy. Riêng BYD đã có sự chuyển hướng ngoạn mục khi tập trung phát triển ô tô điện thương mại và đủ sức cạnh tranh với Tesla. Trong khi đó, CATL, CALB và Gotion High Tech vẫn trung thành với ngành pin của mình, trở thành những nhà cung cấp pin cho toàn thế giới.
Một số chuyên gia đã lý giải cho sự phát triển thần tốc của các nhà sản xuất pin Trung Quốc, tựu chung vào 3 yếu tố gồm tài nguyên “đất hiếm”, công nghệ và chiến lược phát triển dòng pin giá rẻ. Trong đó, pin LFP là một trong những nền tảng cơ sở để các công ty này liên tục gặt hái thành công trên thị trường.
LFP (lithium iron phosphate - LiFePO4) bắt đầu được ứng dụng vào pin kể từ năm 1996, nhưng mới chỉ phổ biến trên ô tô điện khoảng 10 năm gần đây. So với các loại pin lithium phổ biến trước đó như NMC, NCA, pin LFP có chi phí sản xuất thấp hơn nhờ chỉ có cấu tạo gồm lithium (Li), sắt (Fe), phốt phát (PO4) và carbon (C), không chứa kim loại quý như niken, coban. Giá hiện tại của pin LFP dạng pack là 126 USD/kWh, pin LFP dạng cell là 95 USD/kWh, rẻ hơn khoảng 32% so với pin NMC.
Loại pin này có độ an toàn cao, độc tính thấp, độ bền lên đến hơn 10 năm, vòng đời sử dụng khoảng 2.750 - 10.000 chu kỳ sạc tùy theo từng điều kiện. Ngược lại, pin LFP có tính dẫn điện thấp, mật độ năng lượng cũng thấp hơn hơn các loại pin lithium khác nên ô tô điện dùng pin LFP có phạm vi vận hành ngắn hơn. Nhiều năm nay, các nhà sản xuất Trung Quốc gần như độc quyền về sản xuất, phân phối pin LFP.
Với những thế mạnh về giá cả, độ an toàn, pin LFP khá phổ biến trên các mẫu xe thuần điện cỡ nhỏ, phục vụ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ngay từ khi quyết định chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện, VinFast đã sử dụng pin LFP như một giải pháp giúp giảm giá thành sản phẩm để xe điện đến gần hơn với người tiêu dùng. Hiện tại, toàn bộ các mẫu ô tô điện hiện có như VF e34, VF 8, VF 9, VF 5, VF 6 và VF 7 đều sử dụng pin LFP, giúp xe có thể di chuyển quãng đường từ 300-400 km sau mỗi lần sạc đầy.
Sau khi nghiên cứu và sử dụng thực tế, các kỹ sư của VinFast cho biết, ngoài các điểm mạnh kể trên, pin LFP còn có nhiều ưu điểm vượt trội khác. Theo đó, pin LFP có dòng xả ổn định ngay cả khi dung lượng pin dưới 50%. Điều này giúp xe không bị giảm tốc độ khi hoạt động trong tình trạng yếu năng lượng. Tỷ lệ hao hụt của pin LFP cũng rất thấp, chỉ khoảng 2% mỗi tháng nếu không sử dụng đảm bảo tuổi thọ của pin lâu dài và không bị “chai”. Trong khi đó, một số dòng pin khác có tỷ lệ hao hụt lên đến 30%. Một ưu điểm khác của pin LFP là liên kết photpho-oxy trong catốt LFP có tính chất mạnh hơn liên kết kim loại – oxy trong các vật liệu catốt khác. Sự liên kết này giúp pin LFP có khả năng sạc đầy mà không gây hiện tượng xuống cấp nhanh, giữ cho pin hoạt động ổn định và hiệu suất cao trong thời gian dài. Nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam đánh giá pin LFP vẫn có thể dung nạp được khoảng 70% năng lượng sau hơn 2.000 lần sạc/xả. Ngoài ra, loại pin này cũng dễ dàng tái chế, tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu nhanh chóng nắm quyền chủ động về pin xe điện, VinFast đã mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới. Tháng 8/2021, trước thời điểm chuyển đổi sang xe điện, nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Gotion High-Tech. Trọng tâm của thỏa thuận này là dự án cung ứng pin LFP và nghiên cứu kế hoạch xây dựng Nhà máy Giga sản xuất cell pin LFP đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, VinES, một công ty con trực thuộc Vingroup chuyên nghiên cứu, sản xuất pin xe điện và các giải pháp năng lượng toàn diện được thành lập với vốn pháp định 6.500 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất pin VinES có quy mô giai đoạn 1 là 8ha và tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Nhà máy sẽ cung cấp pin lithium-ion cho các dòng xe ô tô điện và bus điện của VinFast. Toàn bộ cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều phân xưởng chuyên về đúc linh kiện và hàn tổ sẽ được tiến hành xây dựng bước đầu để đáp ứng công suất sản xuất 100.000 pack pin/năm.
Ngày 30/10/2022, VinFast và CATL ký kết Hợp tác chiến lược Toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis). Cuối năm 2022, dự án nhà máy liên doanh sản xuất cell pin LFP do VinES và Gotion hợp tác đầu tư được khởi công tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng (275 triệu USD), quy mô 14ha với công suất thiết kế 5 GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm.
Trong năm 2023, những bước đi của VinES ngày càng rõ ràng và vững chắc hơn bằng hàng loạt chương trình hợp tác với các tập đoàn lớn ngành pin bao gồm: hợp tác với Li-Cycle về tái chế pin lithium, hợp tác với StoreDot về phát triển pin sạc siêu nhanh (XFC), hợp tác với Marubeni đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng.
Bà Phạm Thùy Linh, Tổng giám đốc VinES từng chia sẻ, nhu cầu thị trường với pin là cực lớn, nó có thể gấp 6 lần hiện tại vào năm 2030.
“Một mình Trung Quốc không thể ôm trọn bầu trời trong khi rất nhiều quốc gia đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu đang có động thái hạn chế pin từ Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa nguồn cung. Chính vì vậy, cơ hội đến với nhiều người trong đó có VinES. Đây cũng là lý do tại sao VinES dù là công ty mới có nhiều khó khăn, thử thách như khởi đầu khi ra ngoài trao đổi với đối tác nước ngoài vẫn có cơ hội chào sản phẩm, dịch vụ của mình”, bà Linh nói. Trên thực tế, chỉ sau 2 năm, VinES đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Đông Nam Á làm chủ được công nghệ về cell pin.
Trước thời điểm VinFast niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ (Mỹ) ngày 15/8/2023, Gotion High-Tech một lần nữa thể hiện mong muốn quan hệ bền chặt với nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam bằng việc đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của VinFast trị giá 150 triệu USD.
Ngày 11/10/2023, Chủ tịch Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng công bố tặng 99,8% Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES cho Công ty VinFast. Sau khi sáp nhập, VinFast sẽ tự chủ về công nghệ pin – cấu phần quan trọng của xe điện, đồng thời làm chủ được chuỗi sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, VinFast sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, nghiên cứu phát triển những thế hệ pin mới có hiệu suất sử dụng tốt hơn, bền hơn và giá thành rẻ hơn. Trong giai đoạn 2 tại nhà máy pin, VinFast sẽ gia tăng công suất với mục tiêu đề ra 1 triệu pack pin/năm. Nhà máy sẽ sử dụng các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và châu Âu để hoàn toàn tự động hóa và đạt mức trên 80%. Cũng trong năm 2023, Tập đoàn Marubeni tiếp tục hợp tác với VinFast về việc tái sử dụng pin xe điện.
Trong khi đó, sự phát triển của ngành pin tại Trung Quốc đã bước lên một tầm cao mới. Từ cuối năm 2023, hai đối tác lớn của VinFast là CATL và Gotion đều đưa ra sản phẩm pin thế hệ mới, lấy nền tảng từ pin LFP. Cụ thể, CATL sản xuất hàng loạt pin M3P với quảng cáo rằng nó có mật độ năng lượng cao hơn so với LFP, nhưng lại rẻ hơn pin NMC và có độ ổn định tốt hơn. Gotion ra mắt mẫu pin L600 thuộc dòng pin LMFP (được ví như phiên bản nâng cấp của LFP). Chuyên gia Brian Wang đánh giá, pin L600 của Gotion có nhiều ưu việt hơn so với 2 mẫu pin còn lại. Ví dụ, mật độ năng lượng của L600 đạt 240 Wh/kg, pin M3P đạt 210 Wh/kg, LFP chỉ đạt 160 Wh/kg. Một pack pin L600 57 kWh có thể gia tăng phạm vi di chuyển lên 480 km, trong khi pin M3P cần 66 kWh để đạt được quãng đường trên, pin LFP 60 kWh chỉ đạt phạm vi di chuyển gần 438 km.
Mặc dù vậy, pin LFP, dù là thế hệ cũ hơn nhưng vẫn vượt trội về vòng đời, độ an toàn và khả năng sạc/xả. Đồng thời, chi phí sản xuất 1 pack pin LFP chỉ khoảng 126$/kWh, trong khi M3P và L600 đều tốn khoảng 132 USD/kWh.
Do đó, các chuyên gia nhận định, pin LFP vẫn là lựa chọn phù hợp dành cho các dòng xe cỡ nhỏ và cỡ vừa, phục vụ xe di chuyển trong đô thị với cung đường ngắn như tại Việt Nam.