Phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu nhóm bank đồng loạt bứt phá gây ngỡ ngàng và hạnh phúc cho cổ đông nhóm ngân hàng. Phiên sáng, có lúc VN30 tăng đến 30 điểm, 2 mã kịch trần, hàng loạt các mã khác đều tăng mạnh và đóng góp lớn vào chỉ số chung của toàn thị trường như CTG, BID, VCB, TCB, VID, HDB, MBB, TCP, và VPB. Kết thúc phiên sáng, VN30 tăng 1,56% nhưng VN-Index tăng 0,41%, còn Smallcap giảm 1,99%... Thanh khoản toàn thị trường 23.110 tỷ, trong đó, riêng VN30 đã chiếm 7,7 nghìn tỷ, UPCoM 2,6 nghìn tỷ và HNX 3.000 tỷ.
Ở chiều ngược lại, đà tháo chạy tiếp tục diễn ra ở nhóm cổ đầu cơ với hàng loạt các cổ phiếu bứt phá thời gian qua như GEX, MHC, ITA, HQC, NLC, SCR quay đầu giảm mạnh.
Không phải đến bây giờ, từ cuối tuần trước, nhóm bank đã cho thấy dấu hiệu quay trở lại bứt phá. Phiên giao dịch sáng 19/11, cổ phiếu ngân hàng cũng trở thành động lực chính giúp VN30-Index tăng vượt trội tất cả các chỉ số khác. TCB tăng 2,72%, BID tăng 2,47%, CTG tăng 2,8%, VPB tăng 2,68%, HDB tăng 6,9%, ACB tăng 3,54%, VCB tăng 0,82%, MBB tăng 1,59%, STB tăng 1,99% là 9/10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho VN30-Index. Trong 13,16 điểm tăng của chỉ số này sáng nay thì nhóm ngân hàng nói trên đóng góp 12 điểm.
Dù 2-3 phiên tăng điểm liên tiếp và hút dòng tiền quay lại chưa thể khẳng định chắc chắn sóng của cổ phiếu nhóm ngân hàng kéo dài tuy nhiên có nhiều lý do để kỳ vọng thời điểm hiện tại cổ phiếu bank đang ở chân một cơn sóng lớn...
Thứ nhất, thống kê cho thấy, lợi nhuận nhóm ngân hàng trong quý 3/2021 tăng trưởng 26,6% dù mức tăng trưởng này đã giảm đáng kể so với quý 2/2021 nhưng đây vẫn là con số tích cực so với tăng trưởng 5,9% của quý 3/2020. Luỹ kế 9 tháng năm 2021, nhóm ngân hàng tăng trưởng 53,1% và đóng góp 11,2% vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Hầu hết các nhà bank lớn và tầm trung đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt trong quý 3 vừa qua bất chấp dự báo nhóm này xấu đi do giảm lãi suất trong 2 tháng gần đây hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.
NIM của hầu hết các nhà bank đều bị ảnh hưởng song bù lại, thu nhập từ mảng dịch vụ tăng trưởng tốt đã cứu cánh lợi nhuận của toàn ngành. Cá biệt có những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ dịch vụ tăng hơn 100% so với cùng kỳ.
Thứ hai, định giá của nhóm ngân hàng đang hấp dẫn. Ông Lê Anh Minh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng đã bị bán và chiết khấu rất nhiều trong quý 3 khiến cho ngành này có mức định giá giá hấp dẫn hơn rất nhiều. Trong khi đó khá nhiều ngân hàng trong quý 3 này vẫn tăng trưởng lợi nhuận dương, sức khỏe tài chính cũng như là tỷ lệ bao nợ xấu ở mức an toàn. Do đó, nhóm này sẽ phục hồi ngay trong quý 4.
"Ngành ngân hàng cũng là ngành bị ảnh hưởng, mức tăng của họ thực sự đã thấp hơn kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá rằng, việc nhiều ngân hàng đã chống chịu tương đối tốt khi vẫn tăng trưởng dương, tôi tin là các doanh nghiệp như vậy sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn, có sự đánh giá đúng hơn từ phía thị trường trong quý 4 cũng như là nửa đầu cho 2022", ông Minh nhấn mạnh.
Ngân hàng là đại diện tiêu biểu phản ánh sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Do đó, Chứng khoán VnDirect tiếp tục duy trì quan điểm giá cổ phiếu của các ngân hàng đã chiết khấu 15% so với mức đỉnh. Sự điều chỉnh trên đã phần nào phản ánh những rủi ro giảm giá hiện hữu, điều này làm cho rủi ro và hiệu quả đầu tư của ngành ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn. Một số cổ phiếu mà theo VnDirect sẽ tiềm năng trong thời gian tới gồm TCB và ACB. VnDirect đồng thời nâng định giá cho TCB từ 57.100 đồng lên 64.100 đồng/cổ phiếu.
Thứ ba, triển vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng tích cực hơn từ quý 4/2021 trở đi. Chứng khoán Yuanta cho rằng thời kỳ khó khăn nhất do bị Covid tác động đã diễn ra trong quý 3 và kỳ vọng sự phục hồi thu nhập lãi ròng sẽ bắt đầu từ quý 4/2021.
Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các ngân hàng trong quý 4/2021 và các ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, có năng lực quản trị rủi ro vững chắc, tuân thủ đúng theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn. Những ngân hàng này có thể sẽ là VCB, MBB, TCB và MSB. Thu nhập phí cũng sẽ cải thiện trong Q4/2021 do doanh thu từ mảng bancassurance phục hồi.
Yuanta cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất là đến năm 2022 để hỗ trợ việc xử lý khoản nợ xấu tiềm tàng và nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng đã và đang đầu tư vào công nghệ số hóa để thu hút thêm nhiều khoản tiền gửi CASA để bù đắp cho sự suy giảm của lãi suất cho vay. Tuy nhiên, quá trình này sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thành. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao (như VCB, MBB, TCB và MSB) có thể sẽ giúp thúc đẩy tăng NIM hiệu quả hơn so với các ngân hàng đang có tỷ lệ CASA thấp.
Cuối cùng quan trọng nhất vẫn là dòng tiền. Tiền mới cuồn cuộn đổ vào thị trường trong suốt gần một tháng trở lại đưa cổ phiếu nhóm vốn hoá vừa và nhỏ "lên đồng" bất chấp nhiều doanh nghiệp kinh doanh bết bát. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quá nhiều cổ đầu cơ thị giá vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp, do đó, áp lực điều chỉnh của nhóm này đã hiện hữu, cơ hội "cá kiếm" cũng không còn nhiều. Một khi dòng tiền tháo chạy khỏi nhóm cổ đầu cơ sẽ quay sang tìm kiếm cơ hội sinh lời ở nhóm vốn hoá lớn trong đó có nhóm bank vốn dĩ đang sở hữu nhiều lợi thế tiềm tàng.
Bình luận về dòng tiền trên thị trường chứng khoán mới đây, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ trên trang mạng xã hội rằng, tổng dòng tiền của thị trường chứng khoán có thể phân ra 2 nhóm chính: Dòng tiền "khôn" và dòng tiền "điên". Dòng tiền khôn đa phần của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có sự hiểu biết sâu và kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường. Có thể ví những nhà đầu tư này như những con cá đi kiếm mồi. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi sự hỗ trợ Margin từ các công ty chứng khoán hoàn toàn đã hết, nhưng con cá này cũng đang mất đi một phần sức mạnh. Dòng tiền khôn đa phần đang ngập trong cổ phiếu, dù đó là những cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, có giá trị.
Đối nghịch với dòng tiền khôn là dòng tiền điên của nhóm các nhà đầu tư mới. Dòng tiền này đang thể hiện sức mạnh vô song qua những phiên gần đây khi thanh khoản lên đến 1-2 tỷ USD.. Dù gọi đó là dòng tiền điên bởi tính mua quyết liệt, bất chấp giá cả và trị giá doanh nghiệp, nhưng không thể coi đó dòng tiền "ngốc". Trái lại dòng tiền này rất thông minh, linh hoạt và cũng rất lì lợm. Ngoài số tiền lớn, họ còn rất đông, tựa như đàn kiến.
Có thể nói đang xảy ra hiện tượng kiến ăn cá. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp hay đầu tư giá trị đang gặp khó khăn bởi yếu tố thiếu nguồn lực hỗ trợ. Tất nhiên dòng tiền điên rồi cũng sẽ phân hóa. Sẽ đến lúc họ tự động chuyển qua những nhóm ngành, mã có nội tại tốt, chứ không đơn thuần ùa nhau vào đánh như hiện nay.
"Bên cạnh yếu tố dòng tiền, còn có một vài yếu tố tâm lý hoặc suy diễn đám đông. Những dòng cơ bản như Ngân hàng thì bị gán cho câu chuyện rủi ro nợ xấu, Thép thì là câu chuyện giá quặng sắt giảm, chu kỳ ngành đi xuống vì bất động sản Trung Quốc giảm sút nhu cầu. Tuy nhiên tất cả những điều này theo tôi rất thiếu cơ sở và dự báo thực tế. Tôi theo trường phái đầu tư trọng số hơn trọng cung, cho nên tôi luôn đo lường và dự báo các con số lợi nhuận trong tương lai gần, cũng như trong 12 tháng tới. Tôi tin rằng trong quý 4/2021 và cả năm 2022 các doanh nghiệp hàng đầu ngành Thép hay Ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh trên cả tuyệt vời", ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh.