June 17, 2010 | 14:06 GMT+7

Vì sao phải cắt điện luân phiên?

Từ Nguyên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tình trạng cắt điện có thể còn diễn ra trong nhiều ngày tới bởi nguồn cung đang rất căng thẳng

Cắt điện liên tiếp đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Cắt điện liên tiếp đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tình trạng cắt điện có thể còn diễn ra trong nhiều ngày tới bởi nguồn cung đang rất căng thẳng.

Theo EVN, do thời tiết năm nay có nhiều bất thường, nắng nóng và hạn hán kéo dài nên nguồn nước luôn ở mức báo động. Bên cạnh đó, do phải kết hợp sửa chữa đường dây, đảm bảo an toàn mạng lưới nên trong thời gian tới tình trạng cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương trên cả nước là không tránh khỏi.

Cắt điện tràn lan

Từ hơn một tháng nay, tình trạng cắt điện đã xảy ra trên diện rộng, không chỉ ở các đô thị lớn có mức tiêu thụ quá tải mà khắp các khu vực nông thôn từ các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh trở ra đến các tỉnh Bắc Bộ như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... đều phải chịu cảnh “thắp đèn dầu, dùng quạt giấy”.

Không những thế, ngoài ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, do điện bị cắt liên tục, cứ cách một ngày lại tiếp diễn, có nơi cắt liên tục trong một tuần liền, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó tại Hà Nội, tình trạng cắt điện trên diện rộng trong nhiều ngày tương tự như hè năm 2005 lại tái diễn. Hầu hết các khu vực nội, ngoại thành đều bị cắt điện từ 6 tiếng/ngày, thậm chí có nhiều khu vực 12 tiếng/ngày.

Trong ngày hôm qua (16/6), tình trạng nhiều tuyến đường, khu vực như Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa và các trục đường lớn như Hoàng Quốc Việt, Láng, Bà Triệu, Phố Huế... đều phải chịu cảnh cắt điện từ sáng, trưa đến chiều tối.

Chị Vũ Tuyết Ngân, ở Láng Thượng (Đống Đa) cho biết, đầu giờ sáng lên cơ quan mất điện nên công việc bị đình lại, nắng nóng oi bức không chịu được nên lãnh đạo công ty cho nghỉ. Thế nhưng, về nhà thì cả khu vực này cũng đều bị cắt điện. Rốt cục là cả gia đình đã phải “cắn răng” đi thuê nhà nghỉ để tránh nóng.

Cũng trong ngày hôm qua (16/6), khách sạn 5 sao Hanoi Daewoo (Kim Mã, Ba Đình) là nơi được Bộ Tài chính chọn lựa làm địa điểm để tổ chức đối thoại với hàng nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước về thủ tục thuế và hải quan.

Thế nhưng, khi hội nghị mới diễn ra được khoảng 15 phút thì toàn bộ khách sạn bị cắt điện, cả hội trường nháo nhác vì tối và nóng. Một lúc sau, khách sạn này đã khắc phục bằng việc sử dụng máy phát điện nhưng cũng chỉ đủ cho khoảng chưa đầy chục bóng đèn chiếu sáng, còn hệ thống điều hòa, quạt điện thì... tạm nghỉ.

Theo khảo sát của VnEconomy, trong mấy ngày qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan trên địa bàn Hà Nội đã phải gián đoạn làm việc hoặc cho nhân viên nghỉ hẳn vì không có điện suốt cả ngày.

Vì sao phải cắt điện?

Từ lâu nay, lời giải thích của ngành điện mỗi khi để xảy ra cắt điện là do hạn hán, thiếu nước hay sửa chữa bảo dưỡng đường dây. “Bài ca” đấy người dân đã quá quen thuộc, nhưng vì trước đây, mật độ cắt không dài đặc và thời gian cắt cũng không dài như mấy ngày gần đây nên ít nhiều họ cũng thông cảm được.

Thế nhưng, theo như giải thích của Giám đốc điện lực Đống Đa Ngô Đạt Đức, lý do phải cắt điện trên địa bàn này là để sửa chữa bảo dưỡng đường dây để đảm bảo cung ứng điện trong mùa mưa bão thì có vẻ không thuyết phục.

Nhiều người dân thắc mắc, nếu cắt điện chỉ vì để bảo dưỡng đường dây (không phải vì thiếu điện) thì tại sao ngành điện lại chọn vào đúng những ngày nắng nóng nhất để làm việc trên. “Chả nhẽ ngành điện lại không biết rằng, thời tiết tháng 6, tháng 7 thì nóng hơn nhiều so với những tháng đầu năm”, một cán bộ hưu trí trên đường Hoàng Quốc Việt thắc mắc.

Còn theo giải thích của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, với VnEconomy trong sáng nay còn có vẻ “lọt tai” hơn. Theo ông Thành, lý do mà EVN phải cắt điện là do các hồ thủy điện hiện nay thiếu nước nghiêm trọng. Hiện mức nước hồ Hòa Bình tính đến ngày 17/6 chỉ ở mức 81 m, cách mực nước chết 1 m và bằng với mực nước mùa khô năm 2005.

Ông Thành cho biết, với mực nước trên, công ty đã phải cho dừng chạy nhiều tổ máy, một số tổ máy còn lại chỉ hoạt động cầm cự. Thậm chí, trong vài ngày tới không biết toàn bộ nhà máy có hoạt động được không.

Vị này cũng cho biết, do thời tiết năm nay quá bất thường, không theo quy luật như mọi năm nên nước ở hầu hết các sông đều cạn kiệt. Bên cạnh đó, do đặc thù của hệ thống sông Đà là chảy qua cả Lào và Trung Quốc nên nhiều khi các cơ quan chức năng cũng không nắm rõ được.

Nhưng, theo ông Thành, ngay cả khi nước trên hệ thống sông này có được cải thiện trong vài ngày tới thì các nhà máy của Trung Quốc ở thượng nguồn họ cũng khai thác lợi thế trước chúng ta nên không ai dám chắc thời điểm tình hình được cải thiện.

“Hy vọng EVN sẽ huy động thêm các nhà máy chạy dầu, nhiệt điện và cả nguồn điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... thì mới mong cải thiện tình hình. Nếu chỉ trông chờ vào thủy điện thì tình hình khó mà cải thiện trong thời gian ngắn”, ông Thành cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, lý do đơn giản dẫn đến cắt điện tràn lan là do phụ tải tăng quá cao trong những ngày nắng nóng.

Và ngay cả khi huy động điện chạy dầu hay mua bên ngoài thì cũng không đủ phục vụ nhu cầu trong những giai đoạn nắng nóng như hiện nay. Vì thế, theo ông Ngãi, nếu về lý thuyết là không thể trách EVN được vì họ suy cho cùng cũng chỉ là một doanh nghiệp nên vẫn phải hạch toán lỗ lãi.

Chính vì vậy, theo ông Ngãi, để khắc phục được tình trạng trên trong tương lai thì cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của Chính phủ bởi từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng không có nguồn điện dự phòng. Ngay cả việc Chính phủ chỉ đạo triển khai 13 dự án điện vừa qua thì theo ông Ngãi nhanh nhất cũng phải mất 5 -7 năm nữa mới đưa vào khai thác được nên việc thiếu điện, cắt điện có lẽ không chỉ dừng lại trong năm nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate