VN-Index chốt phiên hôm nay giảm tiếp 7,67 điểm tương đương -0,72%. Mức giảm khá nhẹ này là đã có sự “bọc lót” của VIC tăng kịch trần, đỡ được khoảng 4,5 điểm. Đa số cổ phiếu vẫn giảm rất mạnh, 3 sàn có tới 117 cổ phiếu rơi hết biên độ, riêng HoSE đóng góp 60 mã.
VIC tăng hết biên độ, VHM cũng tăng 0,91% giúp chỉ số đại diện nhóm bất động sản tăng 0,86%, trong khi tất cả các chỉ số nhóm ngành khác giảm. Thực ra VIC hay VHM cũng không đại diện được nhóm bất động sản, rất nhiều cổ phiếu ngành này cũng giảm cực sâu, thậm chí là giảm sàn.
NVL, HPX vẫn là hai cổ phiếu bất động sản giảm giá “nổi tiếng” nhất. HPX dư bán sàn còn trên 25 triệu cổ, NVL khoảng 17,9 triệu. Ngoài ra CII, QCG, VPH, DXG, KHG, SCR, NBB, DXS, LDG, OGC, DIG, HDC, CEO... cũng mất thanh khoản ở giá sàn.
Thực ra tình trạng cổ phiếu giảm nhiều hơn tăng trong cùng nhóm ngành hay trên toàn thị trường phiên này là bình thường. Vài ba mã đại diện tăng tốt không có nghĩa là nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu nào trong ngành cũng được trải nghiệm cảm giác tăng giá. Độ rộng sàn HoSE lúc đóng cửa lên tới 360 mã giảm/101 mã tăng. Với 60 mã giảm sàn, 120 mã giảm từ 2% trở lên, xác suất rất cao là nhà đầu tư bị thua lỗ hôm nay.
Nhóm trụ chống đỡ chỉ số buổi sáng khá tốt, vẫn giúp VN-Index xanh nhẹ, nhưng đến chiều thì áp lực giảm trên diện rộng đã vượt quá khả năng bù đắp điểm số. VIC chốt phiên sáng tăng 4,65%, đóng cửa chiều nay lên kịch trần, tương đương tăng thêm 2,15% nữa riêng phiên chiều. Thanh khoản tăng thêm 454,5 tỷ đồng nữa đưa VIC lên vị trí số 1 về thanh khoản phiên này, đạt 665,3 tỷ đồng, trong đó khối ngoại mua ròng 297,7 tỷ đồng. Lượng mua của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 59% thanh khoản của VIC, là một lực đẩy mang tính quyết định.
Dù VIC rất mạnh nhưng tổng thể nhóm blue-chips VN30 chiều nay cũng vẫn suy yếu. Thống kê cho thấy có 18/30 mã của rổ tụt giá so với buổi sáng, chỉ 8 mã có cải thiện. Ngoài VIC, MWG cũng khá mạnh, chốt phiên sáng đang giảm 0,11% thì đóng cửa tăng 1,13%. Tuy vậy cổ phiếu này chủ đạo là có đợt kéo giá ATC, vì giao dịch cuối cùng trong đợt khớp lệnh liên tục vẫn là giảm tới 1,24% so với tham chiếu. PDR cũng gây bất ngờ với mức tăng 1,94% lúc đóng cửa, nhưng cũng là nhờ 2,79 triệu cổ phiếu kéo vọt lên, còn giao dịch cuối đợt liên tục thậm chí đang giảm sàn -6,77%.
VN30-Index chốt phiên giảm 0,61% với hàng loạt mã giảm 2%-4% như VPB, GVR, PLX, HDB, TPB, GAS, TCB... Nhóm tài chính đuối nhất sàn HoSE với chỉ số VNFIN giảm 1,7%. Toàn nhóm ngân hàng có 21/27 cổ phiếu lao dốc, trong đó 14 mã giảm trên 2%. Nhóm chứng khoán có giao dịch cá biệt ở VCI tăng 1,6%, FTS tăng 3% nhưng hàng chục mã giảm 2%-10% trên các sàn.
Trong 101 cổ phiếu đi ngược dòng ở HoSE hôm nay cũng có khá nhiều cổ phiếu thanh khoản tốt và giá tăng cao. Tiêu biểu là nhóm PDR, FRT, VCI, HAH, CTG, MWG, thanh khoản trên trăm tỷ đồng và giá tăng trên 1%. Dĩ nhiên với số lượng cổ phiếu giảm giá quá áp đảo thì cơ hội cho nhà đầu tư kiếm lời phiên này rất hẹp. HoSE có 34 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ 10 mã là còn tăng giá.
Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi chiều nay giải ngân thêm trên HoSE tới 1.095 tỷ đồng nữa, trong khi chỉ bán thêm gần 519 tỷ đồng. Mua nhiều hơn bán đáng kể giúp vị thế ròng cả phiên lên tới +1.003 tỷ đồng. Như vậy khối này đã lại quay lại chuỗi ngày mua ròng ngàn tỷ đồng ở HoSE và chưa có dấu hiệu bán ra vượt trội.
Hôm nay VIC được mua ròng cực nhiều với 297,7 tỷ đồng, ngoài ra là VHM +119,1 tỷ, STB +83 tỷ, DXG +61,5 tỷ, SHB +52 tỷ, HPG +50,6 tỷ... Phía bán duy nhất VCB là đáng kể với -36,2 tỷ đồng.
Phiên giảm thứ hai liên tiếp hôm nay có điểm số khá tích cực, nên nếu nhìn từ góc độ chỉ số VN-Index thì dường như đà giảm chậm lại. Tuy vậy cổ phiếu không thật sự có giằng co về giá, hầu hết là tiếp tục suy yếu về cuối ngày, nhiều mã đóng cửa mức thấp nhất. Khả năng nâng đỡ trụ đang khiến nhịp điều chỉnh bớt xấu, nhưng cổ phiếu vẫn có thể gây thiệt hại lớn hơn.