December 22, 2022 | 16:14 GMT+7

Việt Nam cần chuẩn bị cho thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông"

Nhu cầu hàng xuất khẩu suy yếu đã dẫn đến một đợt suy giảm đáng kể trong xuất khẩu của Việt Nam, với tháng 11 đánh dấu sự sụt giảm đáng kể lần đầu tiên trong vòng hai năm qua...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong báo cáo “Asian Economics Quarterly: Retooling factory Asia” vừa công bố, HSBC đã nhận định rằng bất chấp những cơn gió ngược có tính chu kỳ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, cho thấy sự hấp dẫn lâu dài của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho thời kỳ "ngủ đông" của xuất khẩu.

THỜI KỲ XUẤT KHẨU "NGỦ ĐÔNG" ĐANG ĐẾN

Theo HSBC, 2022 là một năm phục hồi bùng nổ, giúp Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Với những thuận lợi từ việc mở cửa trở lại, HSBC nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam lên 8,1% (dự báo cũ là 7,6%).

Tuy nhiên, những thách thức được dự báo ảnh hưởng nặng hơn trong năm 2023, đặc biệt sau khi những hiệu ứng mở cửa trở lại nhạt dần và tác động của lạm phát cao ảnh hưởng. Vì vậy, dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,8% (dự báo cũ là 6%).

HSBC đưa ra các dự báo vĩ mô của Việt Nam  
HSBC đưa ra các dự báo vĩ mô của Việt Nam  

Các chuyên gia của HSBC cũng cho biết Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến áp lực lạm phát mạnh hơn, dữ liệu mới nhất đã vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng, lạm phát toàn phần cũng đang tăng lên trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng trong nước.

Hơn nữa, bức tranh triển vọng tăng trưởng đang bị phủ lên một bóng mây từ những trở ngại về hoạt động thương mại. Trong đó, nhu cầu hàng xuất khẩu suy yếu đã dẫn đến một đợt suy giảm đáng kể trong xuất khẩu của Việt Nam, với tháng 11 đánh dấu sự sụt giảm đáng kể lần đầu tiên trong vòng hai năm qua. Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 11 cũng đã rơi vào vùng thu hẹp lần đầu tiên trong năm 2022. Đơn hàng mới, giá bán và việc làm đều xuống thấp, cho thấy tâm lý thị trường đang không tốt.

Cụ thể, sau khi tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước trong ba quý đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm tốc nhanh trong tháng 10 và đến tháng 11 đã chứng kiến lần sụt giảm mạnh nhất trong hai năm trở lại đây. Nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử vốn chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.

Ngoài ra, hàng hóa hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch, điện tử và dệt may/da giày, đang chứng kiến giai đoạn “chững lại” khi nhu cầu chuyển dịch sang dịch vụ và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Mỹ và EU chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu thống lĩnh với một số ngành hàng xuất khẩu lớn, với hơn nửa hàng máy móc xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Mỹ.

Việt Nam cần chuẩn bị cho thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" - Ảnh 1

Một ngành hàng xuất khẩu lớn khác cũng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường Mỹ là sản phẩm gỗ (khoảng 60%). Hoạt động thị trường tài sản chậm lại ở các nước phương Tây mang đến rủi ro sụt giảm cho xuất khẩu của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, điểm tích cực trong giai đoạn này của Việt Nam là nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh khi thị trường lao động tiếp tục phục hồi. Tính đến quý 3, tỷ lệ thất nghiệp trong nước đã giảm xuống 2,3% và vẫn có khả năng giảm tiếp trong quý 4/2022 khi nhiều công việc trong lĩnh vực du lịch trở lại.

CẦN SẴNG SÀNG ĐỐI MẶT VỚI LOẠT RỦI RO

Nhìn chung, HSBC đánh giá, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam, theo HSBC là những khó khăn trong thương mại ngày càng gia tăng. Việt Nam không tránh khỏi những tác động do đợt thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể này, nói cách khác, giai đoạn “chững lại” đã tới.

Kể từ khi xảy ra những căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất xét về thương mại và chuyển hướng đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt thúc đẩy thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Và cũng chính do đó mà Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn khi kinh tế Mỹ suy giảm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt thêm với các rủi ro khác đến từ áp lực tăng giá năng lượng. Mặc dù đã giảm so với đỉnh trong tháng 6, giá xăng vẫn ở mức cao. Để giảm rủi ro của việc dự trữ nhiên liệu nhập từ nước ngoài vốn tiềm tàng nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo các các nhà máy lọc dầu trong nước và các doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch tăng cường nhập khẩu năng lượng trong ít nhất sáu tháng đầu năm 2023. Động thái này nhiều khả năng sẽ siết lại lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam do chi phí nhập khẩu tăng cao hơn.

Những khó khăn bên ngoài có thể tạo gánh nặng cho thị trường lao động trong nước, nhiều công nhân phải giảm giờ làm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, áp lực lên tình hình việc làm trong lĩnh vực sản xuất sẽ còn tiếp diễn tới giữa năm 2023.

Song, HSBC cũng nhận định: "Bức tranh không chỉ toàn một màu xám. Bất chấp những cơn gió ngược có tính chu kỳ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung và LG gần đây đã công bố họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, càng cho thấy sự hấp dẫn lâu dài của Việt Nam".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate