Ngày 15/7, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý 2/2024 nhằm đưa ra góc nhìn đa chiều về bối cảnh kinh tế của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Báo cáo cho thấy bất chấp mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ nửa đầu năm, BCI đã có sự giảm nhẹ từ 52,8 trong quý 1 xuống 51,3 trong quý 2 năm 2024. Điều này nhấn mạnh Việt Nam cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh chính sách để duy trì đà tăng trưởng.
Trong khi một số ít công ty báo cáo điều kiện kinh doanh hiện tại của họ là “rất tệ” (giảm từ 8% xuống 6%), số công ty mô tả là “không tốt” lại tăng nhẹ (từ 24% lên 26%). Mặc dù vậy, đa số (68%) vẫn duy trì quan điểm từ trung lập đến tích cực về điều kiện kinh doanh của họ, cho thấy cảm giác ổn định chung.
Mặc dù nhận định chung về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong quý 3/2024 là lạc quan một cách thận trọng (45%), các doanh nghiệp tư nhân vẫn do dự về triển vọng của chính họ, với 45% còn lại là trung lập và 23% bày tỏ lo ngại.
Song sự bất an ngắn hạn này được cân bằng bởi niềm tin mạnh mẽ trong dài hạn, với gần 70% doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Sự tự tin này được phản ánh qua tỷ lệ các doanh nghiệp sẽ đề xuất Việt Nam là điểm đến đầu tư.
THÁCH THỨC PHÁP LÝ DAI DẲNG
Tuy nhiên, khảo sát chỉ rõ những thách thức pháp lý dai dẳng cản trở tăng trưởng và đầu tư.
Cụ thể, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng nhiều quy định còn mơ hồ, lại được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Thủ tục hành chính vẫn rườm rà; khó khăn trong việc xin giấy phép và phê duyệt. Những thách thức về thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; phê duyệt trùng lặp hoặc không nhất quán giữa các cấp chính quyền…
Chẳng hạn như: Giấy phép lao động và thị thực cho người nước ngoài, báo cáo cho rằng mặc dù Nghị định số 70 đã được ban hành vào tháng 9/2023 nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động và thị thực cho người lao động nước ngoài, nhưng chỉ có 3,3% số người được hỏi cho biết có những cải thiện đáng kể. 1/2 người được hỏi cho rằng có một số tiến bộ; 1/4 nhận định không có thay đổi nào.
Hay Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân (PDPD): Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được triển khai gần đây, được thiết kế để bảo vệ thông tin cá nhân đã vô tình gây ra sự lo lắng trong các doanh nghiệp. 1/4 số người tham gia khảo sát thừa nhận chưa hiểu đầy đủ các yêu cầu của Nghị định và chỉ 1/3 cảm thấy tự tin vào khả năng tuân thủ của mình.
“Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hướng dẫn và hỗ trợ rõ ràng hơn từ các cơ quan chức năng để đảm bảo quá trình chuyển đổi và tuân thủ được diễn ra suôn sẻ”, BCI nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững, các doanh nghiệp EU được khảo sát đã chỉ ra một số trở ngại chính trong nỗ lực trung hoà carbon của họ. Đó là khách hàng lưỡng lự trong việc trả giá cao cho các sản phẩm bền vững; các khuyến khích và quy định của chính phủ không đầy đủ để thúc đẩy tính bền vững; khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng quản lý chất thải hiệu quả còn hạn chế; hạn chế tài chính trong việc thực hiện các hoạt động bền vững; nhân viên không có kiến thức đầy đủ và không tham gia với các sáng kiến bền vững. Đặc biệt những khó khăn trong việc đo lường lượng khí thải và đảm bảo tuân thủ chuỗi cung ứng.
Song nghiên cứu cũng chỉ ra, điểm tích cực là việc ký kết nghị định về Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã mang lại hy vọng. Việc thực hiện nhanh chóng và thành công có thể giải quyết một số thách thức này, đặc biệt bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng sạch và có khả năng mang lại những khuyến khích bền vững tốt hơn.
TĂNG CƯỜNG SỰ RÕ RÀNG TRONG PHÁP LUẬT
Để thu hút thêm FDI và kích thích tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp được khảo sát đã kiến nghị 5 yếu tố để Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh, gồm: hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi (đường, cảng, cầu...); đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, khẳng định tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
“Mặc dù cuộc khảo sát của EuroCham chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện, nhưng chúng tôi tin rằng bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định. Chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam”, ông Dominik Meichle lạc quan nhấn mạnh.
Theo Giám đốc điều hành của Decision Lab Thue Quist Thomasen, kết quả khảo sát này tiết lộ một bức tranh đầy sắc thái về bối cảnh kinh doanh. Trong khi 68% số người được hỏi cho biết điều kiện hiện tại ở mức trung bình đến tích cực, thì sự thận trọng trong ngắn hạn đã tăng nhẹ, và điều này cần được giải quyết để xu hướng tích cực có thể tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ 6,42% trong nửa đầu năm 2024 và gần 70% bày tỏ sự lạc quan trong dài hạn cho thấy niềm tin mạnh mẽ rằng các chỉ số tích cực có thể thành hiện thực trong tương lai.