Chia sẻ với báo giới tại sự kiện hội nghị New Horizon Business Summit 2024 mới diễn ra, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Giải pháp Huawei Việt Nam, cho biết Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Huawei đã xây Data Center tại gần như tất cả các nước có nền kinh tế trung bình và phát triển, gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Và cũng có thể Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo mà Huawei sẽ đặt Data Center.
Theo ông Vinh, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam khá nhiều tiềm năng và tăng trưởng mạnh hàng năm. Đặc biệt, quá trình số hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh, chỉ trong vài năm lại đây nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây không chỉ đến từ người dùng cuối mà còn đến từ khách hàng lớn, nhất là các công ty IT lớn. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn cho hạ tầng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, điển hình như VNPT, Viettel, MobiFone…
Ông Vinh cũng cho rằng thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ bùng nổ, theo nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, có thể đến từ doanh số các puplic cloud (đám mây công cộng ), hoặc các dịch vụ on premise (giải pháp công nghệ hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ).
Vị đại diện của Huawei nhận xét thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang trong quá trình phát triển và rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. Không riêng Huawei mà nhiều công ty khác cũng có kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng các Data Center tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Vinh, do chi phí xây dựng một hệ thống trung tâm dữ liệu rất lớn nên các nhà đầu tư đều đang chờ đến điểm bứt phá có khả năng hoàn vốn đầu tư lớn để tính toán đầu tư.
Vậy dự kiến sớm nhất khi nào Huawei sẽ xây dựng Data Center tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, Giám đốc Giải pháp Huawei Việt Nam cho biết Huawei hiện vẫn đang trong quá trình đánh giá thị trường Việt Nam, khi nhu cầu của thị trường đạt đến ngưỡng nhất định và phù hợp thì Huawei sẽ xây dựng Data Center tại Việt Nam.
Theo đại diện Huawei Việt Nam, Huawei có yêu cầu rất cao về Data Center, theo đó khi đầu tư một Data Center thì đều phải ít nhất có ba available zone. Cụ thể, trong điện toán đám mây, available zone hay còn gọi là một khu vực chứa trung tâm dữ liệu - là một tập hợp con của hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không chia sẻ các thành phần quan trọng về dịch vụ với bất kỳ vùng sẵn sàng nào khác.
Các vùng sẵn sàng thường được tách biệt về mặt địa lý với nhau để phòng ngừa cũng như ngăn chặn các sự cố tác động lên nhiều vùng sẵn sàng. “Huawei đặt tính ổn định là yếu tố quan trọng đầu tiên của các Data Center”, ông Vinh nói và cho biết nguyên tắc của Huawei là phải xây dựng ít nhất 3 available zone (một khu vực chứa trung tâm dữ liệu) và ba khu vực này nằm ở 3 vị trí khác nhau, cách nhau ít nhất 30km để đảm bảo và duy trì tính ổn định. Và đây cũng là sự khác biệt của Huawei so với nhiều công ty Internet khác.
Một báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố đầu năm 2024 cho thấy quy mô thị trường dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam sẽ đạt hơn 1,2 tỷ USD vào năm 2030. Ở mảng thị trường này, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 11-12%/năm, từ nay đến năm 2030. Quy mô thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam hiện chỉ tương đương 50% so với một số nước ở khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 châu Á trong năm 2023 (tăng 19%).