September 26, 2024 | 08:09 GMT+7

Việt Nam: Cửa ngõ kết nối thế giới với khu vực ASEAN đầy tiềm năng

Tú Uyên - Phương Hoa

Trong bức tranh tích cực của ASEAN, Việt Nam nổi lên như là “ngôi sao sáng” của khu vực và được kỳ vọng sẽ là cửa ngõ quan trọng để kết nối ASEAN với phần còn lại của thế giới…

Trong bối cảnh toàn cầu bất ổn và suy thoái do kinh tế Trung Quốc chậm lại, ASEAN vẫn duy trì sự tăng trưởng và lạm phát thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế G3. Dự báo của ADB, tốc độ tăng trưởng của ASEAN năm 2024 vẫn tăng 5%. Đây là mức tăng trưởng được duy trì trong suốt thập kỷ qua.

Trong bức tranh tích cực của ASEAN, Việt Nam nổi lên như là “ngôi sao sáng”, là “điểm nhấn” tăng trưởng kinh tế toàn khu vực. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được duy trì nhiều năm liên tiếp, dòng vốn FDI vào thị trường này cũng liên tục đạt kỷ lục bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu.

VIỆT NAM: CỬA NGÕ KẾT NỐI ASEAN VỚI THẾ GIỚI

Sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19, đã có sự thay đổi đáng kể về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đó là dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, làm thay đổi vị thế của Trung Quốc, vốn là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới trước đó.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ là cửa ngõ quan trọng để kết nối ASEAN với phần còn lại của thế giới - Ảnh minh họa.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ là cửa ngõ quan trọng để kết nối ASEAN với phần còn lại của thế giới - Ảnh minh họa.

Theo đó, Việt Nam, thành viên của ASEAN, với vị trí gần Trung Quốc được hưởng lợi thế từ việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu toàn cầu.

 

Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc+1”.

Thống kê số lượng FDI trên toàn cầu từ năm 2015 đến 2023 giảm khoảng 35%, nhưng khu vực ASEAN đạt mức tăng trưởng mạnh đến 90%. Điều này cho thấy sự dịch chuyển của dòng vốn FDI trên toàn cầu vào khu vực ASEAN và Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầy tiềm năng nhờ vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN.

Chia sẻ bên lề Hội nghị “Gateway to ASEAN” 2024 do Ngân hàng UOB tổ chức đầu tháng 9 vừa qua tại TP.HCM, ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển Bền vững, Coca Cola Việt Nam, cho biết: “Hội nghị “Gateway to ASEAN” kết nối Việt Nam với thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam trong quan hệ 2 chiều. Hội nghị này mở ra cơ hội vô cùng lớn, giúp các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng, thực lực của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm được các cơ hội về đối tác và những cơ hội kinh doanh rộng mở hơn nữa trong bối cảnh thương mại toàn cầu vốn đã rất phát triển ở Việt Nam”.

Đồng tình, ông Jimmy Koh, Giám đốc Quan hệ đối tác và Tiếp thị chiến lược, Khối Tư vấn đầu tư nước ngoài, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầy triển vọng của ASEAN trong thời gian tới.

ĐIỂM ĐẾN CỦA DÒNG VỐN FDI

Cũng theo ông Jimmy Koh, chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, phần nhiều là do các yếu tố địa chính trị và mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. “Chúng ta đang chứng kiến một sự tái cấu trúc mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu và nhiều công ty đang tìm cách thiết lập hoạt động tại khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Trong tương lai, nếu những thách thức về cơ cấu trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng vẫn diễn ra, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến nổi bật của nguồn vốn FDI”.

Năm 2023, Việt Nam đạt kỷ lục về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt 36,6 tỷ USD (mức cao thứ hai trong lịch sử, gần bằng mức cao kỷ lục là 38 tỷ USD vào năm 2019). Trong 8 tháng đầu năm 2024, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; trong đó số vốn FDI thực hiện ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút phần lớn vốn FDI với hơn 70% lượng vốn rót vào.

Singapore tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với 4,66 tỷ USD, chiếm 38,8%; tiếp đến là Trung Quốc gần 1,7 tỷ USD, chiếm 14,2%; Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 1,41 tỷ USD, chiếm 11,7%; Nhật Bản 1,24 tỷ USD, chiếm 10,3%...

Số liệu FDI nói trên một lần nữa khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao,… Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư, trở thành cửa ngõ kết nối khu vực ASEAN với phần còn lại của thế giới.

Là ngân hàng có mạng lưới Thương mại rộng lớn nhất khu vực ASEAN, UOB đã tận dụng lợi thế này để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư và phát triển tại khu vực cũng như Việt Nam. Đại diện Ngân hàng chia sẻ, vào năm 2011, UOB đã thành lập các Trung tâm Tư vấn Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực. Trong hơn 10 năm qua, hơn 4.500 công ty đã sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của UOB để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, đơn vị tư vấn FDI này đã hỗ trợ khoảng 300 công ty các nước mở rộng vào Việt Nam trong 5 năm qua. Theo đó, các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đô la Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam.

 

Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” 2024 đã thu hút khoảng 600 khách mời, gồm hai phiên thảo luận chính cùng ba phiên thảo luận chuyên đề, tập trung bàn sâu các động lực thúc đẩy tăng trưởng tại ASEAN, phân tích và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về đầu tư vào ASEAN thông qua Việt Nam, cách quản trị chuỗi cung ứng cũng như hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo.

Sự kiện do Ngân hàng UOB khởi xướng, nhằm đem lại nhiều thông tin có giá trị cho các doanh nghiệp đồng thời tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy giao hương và đầu tư trong khu vực nhờ vào mạng lưới thương mại sâu rộng nhất khu vực của UOB.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate