May 31, 2024 | 11:34 GMT+7

Việt Nam dư thừa nhiều lốp, dự kiến xuất khẩu 32 triệu chiếc năm 2024

Hoàng Lâm

Theo "Báo cáo nghiên cứu ngành lốp ô tô Việt Nam 2024-2033" của ResearchAndMarkets Việt Nam đang dư thừa đáng kể lốp ô tô khi cung vượt cầu, dự kiến khối lượng xuất khẩu đạt hơn 32 triệu chiếc trong năm 2024.

Việt Nam dư thừa nhiều lốp, dự kiến xuất khẩu 32 triệu chiếc năm 2024 - Ảnh 1

Với diện tích khoảng 330.000 km2, Việt Nam có dân số khoảng 103 triệu người vào cuối năm 2023. Theo phân tích của ResearchAndMarkets, hơn 60% người dân Việt Nam sở hữu xe máy, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu, trong khi tỷ lệ sở hữu ô tô là dưới 30 xe/1000 người.

Trong những năm gần đây, ngành sản xuất lốp xe của Việt Nam đã phát triển và trưởng thành, với sản lượng vượt 30 triệu chiếc vào năm 2023, tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm hơn 10% trong 5 năm qua. Thị trường lốp xe tại Việt Nam được phân thành OEM để sản xuất xe, nhu cầu thay thế trong thị trường phụ tùng ô tô và xuất khẩu.

Với tỷ lệ sở hữu ô tô thấp, xe máy tiếp tục là phương tiện di chuyển được ưa chuộng ở Việt Nam. Dù là quốc gia đông dân thứ 3 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới nhưng thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng chậm. Sản lượng ô tô năm 2022 tăng 14,84% lên 334.000 chiếc. Với nhu cầu đáng kể về cả lốp dự phòng và lốp xe cỡ lớn, nhu cầu lốp của ngành ô tô đạt khoảng 2 triệu chiếc vào năm 2023, vượt xa nhu cầu sản xuất ô tô.

Với tình hình đó, theo số liệu của ResearchAndMarkets, Việt Nam đang dư thừa đáng kể lốp ô tô. Năm 2022, giá trị xuất khẩu lốp xe là 2,172 tỷ USD, tăng 23,96% so với năm trước, trong khi nhập khẩu lốp xe chỉ đạt 536 triệu USD, dẫn đến thặng dư thương mại 1,636 tỷ USD. Hơn 90% sản lượng lốp xe được xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ, quốc gia vẫn dẫn đầu thị trường xuất khẩu của ngành lốp Việt Nam.

Đáng chú ý là trong 10 nhà xuất khẩu lốp xe hàng đầu của Việt Nam chỉ có hai công ty trong nước là Casumina và Công ty TNHH Cao su Đà Nẵng, cùng với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà sản xuất nổi tiếng toàn cầu như Bridgestone, Michelin, Yokohama, Kumho và các nhà sản xuất khác đã thiết lập hoạt động rộng khắp tại Việt Nam. Các nhà sản xuất Trung Quốc như Sailun cũng đã thiết lập năng lực sản xuất đáng kể, với hơn 18 triệu chiếc mỗi năm.

Việt Nam dư thừa nhiều lốp, dự kiến xuất khẩu 32 triệu chiếc năm 2024 - Ảnh 2

Xuất khẩu lốp xe của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, ước tính khối lượng xuất khẩu đạt khoảng 32,1 triệu chiếc vào năm 2024 và 52,42 triệu chiếc vào năm 2033.

Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến ​​từ năm 2024 đến năm 2033 là khoảng 5,6%. Lốp xe của Việt Nam hiện được xuất khẩu đến 140 quốc gia. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, các thị trường xuất khẩu khác bao gồm Brazil, Đức và một số quốc gia khác.

Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội Cao su Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm cao su từ năm 2018 đến 2023 của Việt Nam có mức tăng mạnh về kim ngạch và năm 2022 được xem là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Cụ thể, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 2,2 tỷ USD tăng 22,7% so với năm 2021, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su và thị trường chủ chốt vẫn là Mỹ với nhu cầu nhập khẩu chủ yếu là lốp ô tô con và lốp xe tải.

Ước tính có khoảng từ 13,7 triệu đến 13,9 triệu xe mới được bán vào năm 2022 tại Mỹ và tăng trong năm 2023 khi nhu cầu tăng cao từ người tiêu dùng và doanh nghiệp sau nhiều năm tồn kho xe khan hiếm trong thời kỳ đại dịch.

Đáng chú ý là dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn về lốp xe nhưng vẫn còn phải nhập nhiều chủng loại mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu từ thị trường Thái Lan do các nhà máy sản xuất lốp xe của những thương hiệu lớn như Brigdestone, Michelin, Goodyear... đều có nhà máy tại nước này.

Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất của ngành sản xuất lốp, săm cao su đã giảm 4,11% trong tháng đầu năm 2024 với chỉ số tồn kho tăng lên 185,03%.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn với các tên tuổi như Brigdestone (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc), Michelin (Pháp)… Do đó, cuộc cạnh tranh trong ngành sản xuất lốp xe tại Việt Nam đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Với sự góp mặt của những tên tuổi lớn trên thế giới, những doanh nghiệp sản xuất lốp xe hàng đầu của Việt Nam như Công ty Cao su Đà Nẵng và Công ty Công nghiệp cao su Miền Nam đang vấp phải những khó khăn không nhỏ ngay trên chính sân nhà.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate