Theo dự báo của các chuyên gia năng lượng, lượng khí thiếu hụt vào năm 2015 là khoảng 3 tỷ m3 đến 2020 - 2025 ước tính lên đến 6 tỷ m3 và trên 15 tỷ m3 vào năm 2025.
Do đó, việc đầu tư và phát triển khí LNG (Liquefied Natural Gas - khí thiên nhiên hóa lỏng) đang được Việt Nam thực hiện gấp rút thông qua ngay từ đầu năm 2012 với hàng loạt các dự án lớn như hệ thống cảng tiếp nhận và phân phối LNG, các đường ống dẫn khí đốt; Trung tâm điện lực Sơn Mỹ và các đường dây đồng bộ đấu nối với hệ thống điện quốc gia… nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng khí LNG của người dân.
Đồng thời, hiện Việt Nam đã xây dựng được hệ thống đường ống dẫn khí ở khu vực phía Nam gồm 3 tuyến đường ống chính, với tổng chiều dài trên 1.000km; các nhà máy xử lý khí và các kho cảng khí hóa lỏng LNG.
Mới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết sẽ chính thức triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG (Liquefied Petroleum Gas - khí dầu mỏ hóa lỏng) , CNG (Compressed Natural Gas - khí thiên nhiên nén) và LNG từ ngày 15/3.
Hiện nay, LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải như tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, LNG có thể được chuyên chở bằng xe bồn, tàu hỏa, tàu ven biển có tải trọng từ 2.500 - 12.000 m3 đến những hộ tiêu thụ ở xa đường ống dẫn khí, các thị trường khu vực ven biển, các đảo ngoài khơi.
LNG được mua bán rất phổ biến trên thị trường quốc tế và trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước châu Âu và Bắc Mỹ…
Các nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới thuộc khu vực Trung Đông, Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia), Australia, Nga. Cùng với đó, khu vực Đông Bắc Á là thị trường tiêu thụ LNG truyền thống với Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu tấn.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV Gas cho biết LNG hứa hẹn sẽ có sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều các quốc gia trong đó có Việt Nam. Trong tương lai, LNG là nguồn năng lượng quan trọng và là một trong những nguồn năng lượng chính của nền công nghiệp sạch.
Để đảm bảo nguồn cung LNG ở thị trường nội địa, PV Gas cho biết trong thời gian tới, "ông lớn" ngành dầu khí sẽ khởi công giai đoạn 2 của Kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026; triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm; triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Trước đó, PV GAS đã hoàn thành dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải từ tháng 7/2023 và là đơn vị duy nhất đến thời điểm hiện tại được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Tổng giám đốc PV Gas, khi cung cấp ra thị trường trong nước đơn vị cũng sẽ thiết lập thỏa thuận với các nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới để đảm bảo nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh cho thị trường nội địa.
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất, LNG có thành phần chủ yếu là methane.
Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170.000 m3 đến 260.000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155.000 m3 đến 170.000 m3.
Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ.