June 24, 2022 | 15:42 GMT+7

Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng của MSCI

Kết quả này có lẽ cũng không quá bất ngờ vì đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đang thay đổi theo hướng tiêu cực hơn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

MSCI vừa công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Trước đó, khi đánh giá về thị trường Việt Nam, MSCI đã đưa ra những quan điểm mới theo hướng kém tích cực hơn. Cụ thể, MSCI cho rằng các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, cơ quan này cũng gắn nhãn "-" với 9 tiêu chí định lượng gồm: giới hạn sở hữu nước ngoài; room ngoại còn lại; quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài; mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; đăng ký đầu tư và mở tài khoản; các quy định về thị trường; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng.

Đáng chú ý, vào năm 2021, khi 9 tiêu chí trên chưa có đủ thông tin để đánh giá, MSCI đã gắn mức “-/?”. Nhưng giờ đây như đã nói, cơ quan này đã chính thức gắn nhãn "-", tương đương là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn với "chuyến tàu" nâng hạng của MSCI - Ảnh 1

Theo trong báo cáo chỉ số MSCI Frontier Market vào ngày 31/5/2022, Việt Nam vẫn đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng 28,45%. Hiện tại, MSCI đã khởi động tham vấn về đề xuất chuyển chỉ số MSCI Nigeria từ thị trường cận biên sang thị trường độc lập. Nếu điều này xảy ra, tỷ trọng của Việt Nam có thể được nâng lên 34,3% nhưng số lượng cổ phiếu của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 28 cổ phiếu.

Gần đây, vấn đề nâng hạng thị trường cũng thu hút sự chú ý của Chính phủ.  Hiện tại Chính phủ cũng đã có những nỗ lực đẩy mạnh quá trình nâng hạng này.

Chia sẻ về thời điểm nâng hạng thị trường, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá vấn đề kỹ thuật không phải trở ngại lớn và phụ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Thuân cho rằng chứng khoán Việt Nam như một võ sĩ hạng nặng thi đấu ở hạng nhẹ, quy mô của hạng nhẹ hiện đang ở khoảng 95 tỷ USD. Và trong đó các quỹ được MSCI khuyến nghị phân bổ khoảng 30% cho thị trường Việt Nam trong rổ đấy, đương nhiên các quỹ sẽ không phân bổ hết 30% đó vì thị trường vẫn ở hạng nhẹ.

Còn nếu Việt Nam thi đấu ở hạng trung mới nổi thì quy mô của hạng này là 6.800 tỷ USD và chỉ cần 1% phân bổ đấy thôi thì đã có 68 tỷ đô vào thị trường. Thông thường, dòng tiền sẽ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng, giống như các thực trạng đã diễn ra ở Pakistan, ở Ả Rập Xê Út hay Kuwait.

"Việc nâng hạng không chỉ phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, mà chúng ta còn phục vụ chính 5,2 triệu tài khoản nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, để phục vụ chính thị trường nội địa này và nhu cầu vốn đầu tư cũng còn rất nhiều", ông Thuân nói.

Tuy nhiên, ông Thuân cũng lưu ý, không phải tất cả đều có lợi khi Việt Nam nâng hạ lên mới nổi. Bởi lẽ, để nâng hạng, các tổ chức như MSCI sẽ yêu cầu việc tự do hối đoái. Ngoài ra, dòng vốn vào nhanh ồ ạt thì cũng gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate