Nhìn lại chặng đường gần 40 năm Đổi mới, không thể phủ nhận những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô GDP đã tăng vọt từ 4,5 tỷ USD năm 1986 lên ước tính 476,3 tỷ USD năm 2024.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 6,67%, có những giai đoạn hoàng kim (1992-1997, 2005, 2022) vượt ngưỡng 8-9%. Tuy nhiên, giai đoạn tăng trưởng “thần kỳ” dựa trên các lợi thế cũ dường như đang đi đến hồi kết.
KHI CÁC ĐỘNG LỰC CŨ KHÔNG CÒN ĐỦ SỨC KÉO
Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 8/7/2025 tại Hà Nội dưới sự chỉ đạo nội dung của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung đã thẳng thắn chỉ ra một sự thật mang tính bước ngoặt. Đó là: “tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế như các lợi thế cho tăng trưởng (lao động giá rẻ; tài nguyên thiên nhiên; khả năng hấp thụ vốn…) suy giảm”.
Đây là cảnh báo cho thấy mô hình phát triển dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên đã chạm tới giới hạn và Việt Nam không thể mãi dựa vào những động lực tăng trưởng đã khai thác gần cạn kiệt.
Các cú sốc từ bên ngoài như khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), khủng hoảng nợ công châu Âu (2008-2009) và đại dịch Covid-19 (2020) đã liên tục thử thách sức chống chịu của nền kinh tế, bộc lộ rõ những điểm yếu cố hữu.
Năng suất lao động vẫn là một điểm nghẽn chưa có cải thiện của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, một vấn đề được Ngân hàng Thế giới (WB) liên tục cảnh báo, đang hiện hữu rõ hơn bao giờ hết.
Báo cáo tham luận gửi tới Diễn đàn của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh tới việc thiếu vắng những cải cách thể chế đủ mạnh và sự kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực có thể khiến Việt Nam bị mắc kẹt, không thể bứt phá lên hàng ngũ các quốc gia phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics, dù đã được đầu tư lớn nhưng vẫn chưa đồng bộ, trở thành điểm nghẽn cản trở lưu thông và tăng chi phí cho doanh nghiệp…
Rõ ràng, Việt Nam đang đứng ở một ngã ba đường. Tiếp tục đi theo lối mòn cũ sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận một tốc độ tăng trưởng chậm dần và nguy cơ tụt hậu. Để tạo ra một bước nhảy vọt, một sự “lột xác” về chất, nền kinh tế cần những động lực hoàn toàn mới, được khai nguồn từ những cải cách sâu rộng và táo bạo nhất.
“Cần những giải pháp có tính đột phá, toàn diện và đồng bộ trên cả 3 phương diện: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
ĐỘT PHÁ TỪ THỂ CHẾ VÀ CÁC CỰC TĂNG TRƯỞNG CHIẾN LƯỢC
Từ việc nhận diện các điểm nghẽn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã đề xuất một khung giải pháp tổng thể, trong đó “chìa khóa của mọi chìa khóa” chính là cải cách thể chế.
Đây không phải là một khẩu hiệu mới, nhưng lần này, nó được đặt ở vị thế trung tâm với một yêu cầu cấp bách và một nội hàm cụ thể hơn bao giờ hết: kiến tạo một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, minh bạch, và có khả năng giải phóng mọi nguồn lực xã hội.
Các giải pháp được đề ra không chỉ mang tính vĩ mô mà còn được “may đo” cho từng vùng kinh tế trọng điểm, tạo thành một chiến lược đa tầng, cộng hưởng lẫn nhau. Thay vì phát triển dàn trải, cách tiếp cận mới tập trung vào việc xây dựng các “cực tăng trưởng” và các “hành lang kinh tế” có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Một trong những định hướng chiến lược nổi bật là việc phân vai rõ ràng cho các đầu tàu kinh tế. Theo đó:
Vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ: Được xác định là trung tâm của đổi mới sáng tạo, sản xuất công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics và thương mại số. Đây sẽ là nơi tập trung các chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành có giá trị gia tăng cao, hướng tới việc “xuất khẩu chất xám”.
Các cực tăng trưởng lớn: Hà Nội và TP.HCM phải vươn lên thành các trung tâm tài chính và đổi mới sáng tạo tầm cỡ quốc gia, dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong khi đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được định vị là các trung tâm trung chuyển quốc tế, cụm công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao, tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận.
Tầm nhìn này đòi hỏi một sự đầu tư khổng lồ và đồng bộ vào hạ tầng cứng và mềm. Đó là các vành đai logistics đa phương thức, các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, các khu công nghệ cao thế hệ mới, đặc biệt là nguồn nhân lực có khả năng làm chủ các lĩnh vực của tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn, sản xuất thông minh…
Trong đó, giải pháp “tạo điều kiện thu hút nhân tài, chuyên gia quốc tế và thực hiện chính sách đào tạo lại cho lực lượng lao động hiện hữu” là một trong những nội dung được tham luận của Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đặc biệt nhấn mạnh.
Điều này cho thấy quyết tâm giải quyết bài toán nhân lực từ gốc rễ, coi con người là yếu tố quyết định cho sự thành công của mô hình tăng trưởng mới. Đó là một cuộc cách mạng về tư duy, từ việc coi trọng “lao động giá rẻ” sang đề cao “lao động kỹ năng cao”.
Con đường này không dễ dàng, đòi hỏi sự thay đổi căn bản trong hệ thống giáo dục và đào tạo, cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
“MỞ KHÓA” THỊ TRƯỜNG VỐN VÀ TÀI CHÍNH XANH
Để thực hiện những kế hoạch chiến lược, Việt Nam cần có nguồn lực tài chính tương xứng để thực thi. Vì vậy “mở khóa” các dòng vốn khổng lồ cho phát triển là vấn đề được TS. Cấn Văn Lực và các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đặc biệt nhấn mạnh.
Báo cáo chỉ rõ một thực tế: nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng cho cả vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong khi đó, thị trường vốn – bao gồm thị trường cổ phiếu và đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp – dù đã có bước phát triển nhưng vẫn còn non trẻ, chưa đủ sức trở thành kênh dẫn vốn chủ lực cho các dự án lớn, dài hơi. Sự thiếu cân đối này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Vì vậy, giải pháp cốt lõi được các chuyên gia đề xuất là phải “phát triển thị trường vốn trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế.” Để làm được điều này, cần một loạt hành động quyết liệt như hoàn thiện khung pháp lý; phát triển hệ sinh thái thị trường với việc khuyến khích sự lớn mạnh của các định chế tài chính trung gian…
Một điểm nhấn đặc biệt trong chiến lược huy động vốn của tương lai là tài chính xanh. Bối cảnh biến đổi khí hậu và cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để phát triển một thị trường tài chính hoàn toàn mới.
Báo cáo của BIDV nhấn mạnh sự cần thiết phải có “chính sách đột phá để phát triển thị trường tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon”. Điều này bao gồm việc ban hành các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tạo ra một cơ chế hấp dẫn để dòng vốn toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư bền vững có thể chảy vào Việt Nam…
Tuy vậy, thách thức lớn nhất, theo các chuyên gia, nằm ở khâu thực thi. Vì vậy, Việt Nam cần một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, một bộ máy hành động hiệu quả và sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
Nếu những giải pháp đột phá về thể chế được thực hiện một cách quyết liệt và các kênh huy động vốn được khơi thông một cách sáng tạo, khát vọng về một giai đoạn tăng trưởng mới hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và tiến vững chắc trên con đường trở thành một quốc gia phát triển, thịnh vượng.
CÁC KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Trên cơ sở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như mục tiêu hướng tới đảm bảo đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng hai con số, các điều kiện thực hiện và ước đoán một số rủi ro mà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tiến trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng “hai con số” giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn 2045.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế hai con số và các điều kiện thực hiện
Dựa vào mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và trên 10% trong các năm từ 2026 đến 2030, mục tiêu tăng trưởng chung, tăng trưởng của các ngành, các thành phần kinh tế, các vùng và địa phương (phía cung) và các cấu phần của GDP (phía cầu) được chi tiết hóa. Nhu cầu nguồn lực (đặc biệt là vốn đầu tư) được tính toán, các tác động, rủi ro từ mục tiêu tăng trưởng cao cũng được tính toán nhằm đưa ra bức tranh chung về quyết tâm tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Với mục tiêu tăng trưởng trên 10%, mức tăng trưởng ở các ngành cũng sẽ gia tăng tương ứng so với giai đoạn trước, mặc dù vậy, tốc độ sẽ khác nhau và tùy thuộc vào khả năng mở rộng của mỗi ngành. Theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, nông nghiệp sẽ tăng trưởng nhẹ và giữ ở mức trung bình 3,6-4,3% do các nền tảng cho tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa thể có đột phá nhiều, đồng thời còn khá nhiều rào cản.
Để đảm bảo tăng trưởng toàn nền kinh tế trên 10%, cả tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng và ngành dịch vụ đều phải đạt ở mức độ hai con số. Mức tăng trưởng cao nhất đặt ra với ngành công nghiệp và xây dựng khoảng 11,4-12,7%/năm và với dịch vụ cần khoảng từ 10,8 - 11%/năm. Các mức này đều cao hơn rất nhiều so với năm 2024 từ 2-3 điểm phần trăm (biểu đồ 1).
Tăng trưởng “hai con số” theo thành phần kinh tế
Trong giai đoạn tới, các động lực tăng trưởng theo thành phần kinh tế hiện đã được khẳng định. Khu vực tư nhân được xác định là động lực chính, bên cạnh đó, khu vực FDI có vai trò quan trọng, do tiềm lực về công nghệ và định hướng xuất khẩu. Khu vực kinh tế nhà nước duy trì vai trò ổn định và trong một số ngành chiếm vai trò chủ đạo. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 10%, khu vực kinh tế nhà nước tăng trưởng từ 5,7-6,7%; khu vực kinh tế tư nhân tăng trên 12% và khu vực FDI tăng trên 10%.
Với tốc độ tăng trưởng như trên, tỷ trọng của khu vực tư nhân sẽ tăng ở mức từ 52% hiện nay lên 56% (Nghị quyết số 68/NQ-TW xác định ở mức 55-58%), khu vực FDI sẽ duy trì ổn định ở mức gần 20% và khu vực nhà nước giảm từ 19% xuống còn 16,3%. Nhìn chung cơ cấu này sẽ đảm bảo kích thích các động lực tăng trưởng mới cũng như đảm bảo mục tiêu về độc lập, tự chủ của nền kinh tế và tăng sức chống chịu với rủi ro bên ngoài.

Tăng trưởng hai con số theo các vùng động lực
Tăng trưởng hai con số là mục tiêu rất lớn, đòi hỏi sự tăng trưởng mạnh của các địa phương được coi là động lực tăng trưởng của Việt Nam, cũng như cố gắng vượt bậc của các địa phương hiện đang có điều kiện tăng trưởng khó khăn.
Có hai vùng được coi là động lực chính bao gồm Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh xung quanh hai thành phố này. Đây là những địa phương hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tăng trưởng cũng như có nhiều tiềm năng trong giai đoạn tới. Ngoài ra, dọc ven biển miền Trung, có ba vùng động lực khác gồm Thanh Hóa và các tỉnh gần Thanh Hóa, TP. Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Cụ thể, để tăng trưởng hai con số, giai đoạn 2026-2030, Hà Nội cần tăng trưởng trung bình 10,71%/năm; TP.HCM tăng trưởng trung bình 10,68%/năm; Thanh Hóa tăng trưởng trung bình 13,43%/năm; TP. Đà Nẵng tăng trưởng trung bình 12,41%/năm; Khánh Hòa tăng trưởng trung bình 12,24%/năm.
Tăng trưởng hai con số từ góc độ tổng cầu
Phân bổ theo tiêu dùng, dựa trên tốc độ của các cấu phần GDP hiện tại và một số chủ trương, định hướng lớn, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, tăng trưởng GDP chủ yếu sẽ do tăng trưởng của tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản.
Trong đó: (i) tiêu dùng cuối cùng cần tăng ở tốc độ từ 9,8-12,4% tới năm 2030, riêng tiêu dùng của khu vực nhà nước sẽ cần tăng nhanh với tốc độ từ 9,6-14,3%; (ii) tích lũy tài sản dự kiến sẽ tăng với tốc độ 9,1-12,1%, tương đương hoặc cao hơn so với năm cao nhất của giai đoạn 2016-2019 (năm 2017 là 10,2%); (iii) xuất khẩu ròng: sẽ phải đảm bảo tốc độ tăng bình quân trên 17,4%, tương ứng là tốc độ tăng nhập khẩu nhưng nhẹ hơn (17,1%).
Với tốc độ tăng kể trên, cơ cấu GDP thể hiện sự dịch chuyển dần sang nền kinh tế dựa trên tiêu dùng. Theo đó, tỷ trọng của tiêu dùng cuối cùng sẽ tăng dần từ 63,57% năm 2024 lên 67,38% vào năm 2030. Tích lũy tài sản sẽ giữ ở mức ổn định gần 36%.
Tăng trưởng hai con số từ phía nhu cầu đầu tư
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP tăng thêm từ 2,5 - 4 điểm phần trăm so với mức hiện nay, trong điều kiện tăng năng suất không có đột biến lớn, nhu cầu vốn đầu tư cần huy động là rất lớn, tổng đầu tư phải tăng từ mức 32,1% GDP lên mức cao nhất là khoảng 41,5% GDP vào năm 2030 và tốc độ tăng phải đảm bảo từ 13,5-17,5%/năm (mức tăng rất lớn so với mức tăng 5,2%/năm trong giai đoạn hiện nay).
Tính theo USD, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 1.774 tỷ USD, bình quân mỗi năm cần từ 262-296 tỷ USD. Trong đó, đầu tư từ khu vực nhà nước cần khoảng 457-528 tỷ USD (tương đương 76-88 tỷ USD mỗi năm), khu vực FDI cần khoảng 239-271 tỷ USD (40-45 tỷ USD/năm) và đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước khoảng 876-975 tỷ USD (bình quân 146 - 162 tỷ USD/năm).
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1493
