Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) vừa công bố kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ để tăng vốn năm 2022 với giá trị tối đa theo mệnh giá là 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của VietinBank theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 15 năm sẽ được phát hành trong năm 2022 với tối đa 20 đợt. Lãi suất trái phiếu sẽ tuỳ theo từng đợt có thể là lãi suất cố định hoặc thả nổi hoặc kết hợp giữa cả hai tuỳ theo tình hình thị trường tại thời điểm phát hành và quy định của Ngân hàng Nhà nước (nếu có).
Với trái phiếu này, ngân hàng sẽ có quyền mua lại trước hạn, dự kiến tối thiểu sau 1 năm, theo thoả thuận giữa VietinBank và người sở hữu trái phiếu với nguồn vốn lấy từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được ngân hàng sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 3 và thực hiện cho vay ra nền kinh tế.
Được biết, tính tới cuối năm 2021, hệ số an toàn vốn (CAR) của VietinBank là 9,14%, trong nhóm ngân hàng có hệ số CAR thấp nhất hệ thống. Việc tăng vốn để cải thiện hệ số CAR, từ đó mở rộng khả năng tăng trưởng tín dụng là rất cần thiết với ngân hàng này.
Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Về phương án phân phối lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận còn lại có thể chia cổ tức của VietinBank là 9.624 tỷ đồng. VietinBank sẽ trình cổ đông cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu với toàn bộ phần lợi nhuận sau khi trích quỹ này.
Nếu thực hiện được kế hoạch, vốn điều lệ của ngân hàng có thể tăng lên gần 57.700 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, ban lãnh đạo VietinBank cho biết quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 chính thức sẽ dựa trên cơ sở ý kiến phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, vào năm 2021, VietinBank đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2020.