Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (mã VJC-HOSE) đã có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) nhằm xin gia hạn thời gian nộp BCTC quý 4 năm 2021.
Vietjet cho biết, năm 2021, Việt Nam và cả thế giới tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất do các chỉ thị giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển để kiểm soát dịch bệnh.
Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet xin được tạm hoãn công bố thông tin Báo cáo tài chính quý 4/2021 do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới nên chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận các dữ liệu và chứng từ các nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, do thị trường chưa hồi phục và để phòng chống dịch nên công ty đã phải cho 70% nhân viên khối văn phòng làm việc ở nhà, 30% nhân sự còn lại làm việc tại văn phòng.
Ngoài ra, có một phần nhân sự bị cách ly để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, dẫn đến quá trình xử lý, tổng hợp đối chiếu số liệu giữa các phòng ban để lập Báo cáo tài chính quý 4/2021 chậm trễ.
Do đó, công ty cam kết thực hiện công bố thông tin về việc tạm hoãn này và sẽ công bố đầy đủ khi Báo cáo tài chính Quý 4 năm 2021 khi hoàn thành.
Được biết, VJC vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 với doanh thu giảm 6% YoY còn 2,7 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 73 tỷ đồng so với khoản lỗ 971 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, Vietjet Air đạt doanh thu thuần 10.209 tỷ đồng và báo lãi trước thuế 268 tỷ đồng, lãi sau thuế 194 tỷ đồng. Trong khi 9 tháng năm ngoái, Vietjet lỗ sau thuế hơn 900 tỷ đồng.
Theo giải trình từ VietJet, trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng đại dịch Covid-19 và ngành hàng không tiếp tục gặp khó khăn khi các hãng hàng không tiếp tục bị hạn chế bay theo chỉ thị của Chính phủ nhằm tập trung chống dịch dẫn đến doanh thu hàng không sụt giảm mạnh. Vietjet không phải là ngoại lệ. Mặc dù vậy, Vietjet đã thực hiện 37 nghìn chuyến bay và vận chuyển gần 6.4 triệu lượt khách trên toàn mạng bay.
Để đảm bảo khai thác an toàn, bảo vệ sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn, Vietjet quyết liệt trong việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, nhà chức trách hàng không và các cơ quan y tế. Trong thời gian khai thác hoạt động trở lại theo quy định Nhà nước, Vietjet áp dụng miễn phí xét nghiệm, mang đến sự tiện lợi và chi phí thấp nhất cho khách hàng.
Trong quý 3/2021, do lệnh phong tỏa ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,365 tỷ đồng, hợp nhất giảm 6%, đạt 2,654 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ tăng 101% so với cùng kỳ năm trước đạt 10 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 107%, đạt 72 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ giảm 47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,384 tỷ đồng, hợp nhất giảm 26%, đạt 10,210 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ tăng 102% so với cùng kỳ năm trước đạt 45 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 121%, đạt 194 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 50,949 tỷ đồng vào ngày 30/9/2021 và chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 0.8 lần và chỉ số thanh khoản 1.06 lần, nằm ở mức an toàn và chỉ số thuộc nhóm tốt trong ngành hàng không thế giới.
Tiết giảm chi phí hoạt động theo giờ bay cao hơn tốc độ suy giảm doanh thu nên VJC đạt tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 36.4%. Chủ yếu là tối ưu hoá toàn bộ chi phí thuê tàu bay và chi phí hoạt động bay theo giờ bay khai thác. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Vietjet cũng đã vận chuyển được 64 nghìn tấn hàng hóa.
Cùng với chiến lược tái cấu trúc chi phí thuê tàu bay, Vietjet tiếp tục giảm phí thuê tàu, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất theo quy định của Nhà nước hỗ trợ ngành hàng không.
Sau khi nhận được Giấy phép ví điện tử từ tháng 7/2021, Vietjet tập trung thực hiện chuyển đổi số, phối hợp Tập Đoàn Sovico tham gia đầu tư hệ thống công nghệ FIN tech, hệ thống trung gian thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Mặt khác, Vietjet đang tập trung mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính, tạo ra dòng tiền dương bù đắp cho hoạt động hàng không. Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách miễn, giảm một số phí cảng, giãn nộp thuế và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất để các hãng hàng không vượt qua Đại dịch.
Vietjet cũng ghi nhận 1 năm hoạt động thành công của Trung tâm Khai thác Dịch vụ Mặt đất – VJGS. VJGS đã phục vụ 25,217 chuyến bay với gần 4.5 triệu lượt khách, vận chuyển 64,031 tấn hàng hóa các loại, doanh thu các dịch vụ ancillary đạt 112.43% kế hoạch… VJGS đã khẳng định được năng lực trong các hoạt động khai thác mặt đất và sẽ là bước tiến đáng kể trong hành trình hoàn thiện chuỗi dịch vụ hàng không của Vietjet, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí.
Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều tín hiệu lạc quan từ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 100% dân số đến hết năm 2021. Do đó, dự kiến các đường bay nội địa và quốc tế sẽ dần hoạt trở lại từ tháng 1/2022.
Hiện tại, hãng đã khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP. HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáp ứng nhu cầu di chuyển an toàn, nhanh chóng phục vụ Tết của người dân. Hãng cũng đã sẵn sàng cho việc khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, từ giữa năm 2022, Vietjet sẽ mở 3 đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, TP HCM và Nha Trang với thủ đô Moskva của Nga, khai thác bằng máy bay A330-300 hiện đại của hãng Airbus. Đây là bước mở đầu trong chiến dịch chinh phục thị trường châu Âu của Vietjet nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kết nối Việt Nam với các nước, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.