Tại Hội nghị “Chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm Châu Á-Thái Bình Dương” diễn ra ngày 5/10/2022 tại Bangkok (Thái Lan), đại diện Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm chính, gia tăng sản lượng nông sản.
Sự kiện do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) chủ trì, với sự tham dự của nhiều Bộ trưởng từ khắp nơi trong khu vực, đại diện khu vực tư nhân, các viện, trường, cũng như các bên liên quan khác với mục tiêu nhằm tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho việc chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm.
MỤC TIÊU THIÊN NIÊN KỶ NGUY CƠ “VỠ KẾ HOẠCH”
Phát biểu tại Hội nghị, ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc FAO nhận định: Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang bị tụt lại một cách nguy hiểm trong quá trình thực thi các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đề ra trên toàn cầu đến năm 2030.
Theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, Châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải cần đến năm 2065 mới có thể đạt được tất cả 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững – chậm mất 35 năm so với kế hoạch ban đầu.
“Lý do cho một số chậm trễ gần đây cũng khá rõ ràng. Hạn hán và lũ lụt, giá lương thực ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, xung đột vũ trang, những thách thức và hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh kế của người dân”, ông Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh.
"Năm 2021, vẫn còn hơn 400 triệu người ở Châu Á-Thái Bình Dương bị suy dinh dưỡng, hầu hết là ở Nam Á, với 40% tổng số người dân không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Khu vực của chúng ta cũng là nơi có đến 60% số ca tử vong trên toàn cầu, và hứng chịu 40% thiệt hại về kinh tế dưới tác động của nhiều hiểm họa và rủi ro".
Ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc FAO.
Theo Tổng Giám đốc FAO, những vấn đề nêu trên đã dẫn đến cuộc khủng hoảng 5 chữ 'F' hiện nay: thiếu lương thực (Food), thiếu thức ăn chăn nuôi (Feed), thiếu nhiên liệu (Fuel), thiếu phân bón (Fertilizer), thiếu tài chính (Finance).
Theo dự báo, sản lượng ngũ cốc trong năm tới có thể bị sụt giảm do tình trạng thiếu phân bón ở một số nước trong khu vực.
“Việc khu vực của chúng ta đang bị tụt lại thậm chí đã xảy ra trước cả đại dịch, theo như một số dự báo liên tiếp trong nhiều năm trong báo cáo Hiện trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng, một ấn phẩm chủ đạo của FAO. Các báo cáo này đã nhiều lần cảnh báo về việc cuộc chiến chống đói nghèo và suy dinh dưỡng trong khu vực của chúng ta đang bị tụt lại phía sau”, ông Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc FAO cho rằng bây giờ là lúc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm – không để ai bị bỏ lại phía sau. Sự chuyển đổi của khu vực cần tập trung vào các kết quả giúp đạt được mục tiêu sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người.
“Châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm hơn 80% số nông hộ nhỏ và hộ nông dân phải sống dựa vào đất đai trên toàn thế giới, và lợi ích cũng như sinh kế của họ cần phải được bảo vệ. Các mạng lưới an sinh xã hội và các chương trình đào tạo lại lao động để cải thiện triển vọng việc làm cho họ phải là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi này”, ông Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh.
SẢN LƯỢNG NÔNG SẢN TẠI VIỆT NAM VẪN TĂNG CAO, ĐÁP ỨNG XUẤT KHẨU
Ông Jong-Jin Kim, Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Đại diện FAO Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng “Đã đến lúc tất cả các bên liên quan trong khu vực cần có những động thái táo bạo đối với việc chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm. Các chính phủ phải hành động thể hiện vai trò lãnh đạo của mình”.
Theo ông Jong-Jin Kim, Khu vực tư nhân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải mở rộng số lượng khách hàng của mình nhằm cung cấp các giải pháp giá cả phải chăng cho các nông hộ nhỏ trong khu vực. Các tổ chức xã hội dân sự phải chủ động hợp tác với các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân. Các viện, trường phải đẩy nhanh quá trình nghiên cứu của mình, trong khi các đối tác phát triển phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc chuyển đổi này.
Tại hội nghị, Việt Nam đã góp tiếng nói của mình cùng với các nước Châu Á-Thái Bình Dương nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm của khu vực, vốn bị tổn thương bởi Covid-19, biến đổi khí hậu và giá cả tăng cao.
Năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch của Việt Nam vẫn sẽ đạt trên 43 triệu tấn, ngoài phục vụ nhu cầu lương thực trong nước, vẫn xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nếu không đảm bảo được sản xuất nông nghiệp bền vững, khu vực đông dân nhất và có số người đói nhiều nhất thế giới của chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng tồi tệ hơn, cũng như suy thoái môi trường trầm trọng hơn.
Theo ông Doanh, giá lương thực tăng cao, lũ lụt, hạn hán, khan hiếm nước, các thảm họa liên quan đến khí hậu ngày càng gia tăng, đại dịch toàn cầu cũng như các cuộc xung đột cả ở gần và cách xa chúng ta đều đang là tác nhân gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn khu vực. Biến đổi khí hậu đã làm cho điều kiện của các nông hộ nhỏ trở nên tồi tệ hơn. Tần suất và lưu lượng mưa, vốn là yếu tố vô cùng cần thiết đối với nông nghiệp nhiệt đới, đã có nhiều thay đổi, do đó cũng làm thay đổi tần suất và thời gian bùng phát dịch bệnh và sâu hại, làm giảm sản lượng nông nghiệp.
Dẫu vậy, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng.
Sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với các năm trước, cụ thể: sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so cùng kỳ năm 2021. Dự báo sản lượng thịt hơi của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt trên 7 triệu tấn.
Sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2022 đạt hơn 6,6 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước và dự báo cả năm sẽ đạt khoảng 9 triệu tấn.
Hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng hoặc đạt sản lượng tăng cao so với các năm trước, như: hồ tiêu, điều, cà phê, chè, trái cây… vẫn duy trì và tăng lượng xuất khẩu, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần kiềm chế lạm phát giá nông sản, lương thực và thực phẩm trên toàn cầu.