Cụ thể, Viettel cho biết, theo quy định của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp có nhu cầu khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do đó Viettel kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Chính phủ để ban hành Nghị quyết quy định cụ thể cho phép các doanh nghiệp viễn thông được sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ hoạt động quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn SIM rác và các hoạt động nghiệp vụ khác trong công tác thông tin và truyền thông.
Tập đoàn Viettel cũng kiến nghị, sau khi các doanh nghiệp viễn thông được triển khai kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực và định danh khách hàng, những thuê bao đã được doanh nghiệp viễn thông thực hiện đối chiếu và xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được phép đăng ký tài khoản Mobile Money. Điều này theo Viettel sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục cung cấp dịch vụ Mobile Money cho khách hàng, góp phần triển khai nhanh Mobile Money, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
"Đến hết tháng 2/2022 chỉ có 9,6% các trường hợp đăng ký Mobile Money không thành công do chưa cập nhập thông tin cơ sở dữ liệu mới trên cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao; 14,5% trường hợp khách hàng không cung cấp lại giấy tờ tùy thân, không đồng ý chụp ảnh chân dung..."
Trả lời kiến nghị của Viettel, đơn vị phụ trách của Bộ Thông tin và Truyền thông là Cục Viễn thông, cho biết về việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để chuẩn hóa thông tin thuê bao thì thời gian qua, Viettel cùng với VNPT, MobiFone đã trực tiếp tham gia các cuộc làm việc giữa các đơn vị của Bộ với các đơn vị của Bộ Công an (Cục C06) nhằm trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm triển khai việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao theo Đề án 06 của Chính phủ.
Trong đó, các đơn vị của Bộ và của Bộ Công an đã hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông (gồm Viettel) chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật (về hệ thống, về kết nối - dùng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua trục NDXP, phương án đối soát, các hàm API) sẵn sàng triển khai kết nối sau khi được Chính phủ chấp thuận.
Với đề xuất xác thực định danh tài khoản Mobile Money qua cơ sở dữ liệu về dân cư quốc gia, Cục Viễn thông cho biết, trước đây, để đảm bảo quy định định danh khách hàng đăng ký và sử dụng Mobile Money, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phải giải quyết được cơ bản tình trạng thông tin thuê bao không chính xác trước khi xin phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; đồng thời, quy định về đối tượng khách hàng tại dự thảo QĐ 316 đã được lấy ý kiến các doanh nghiệp và thống nhất quy định trước khi triển khai.
Đối với việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác minh, chuẩn hóa, xử lý dữ liệu thông tin thuê bao và phát triển Mobile Money, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp báo cáo cụ thể thực trạng, nguyên nhân, khó khăn vướng mắc và kết quả đạt được nếu sử dụng kết quả xác minh thông tin thuê bao qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phát triển Mobile Money (có số liệu cụ thể đánh giá thực tế qua 3 tháng triển khai). Đánh giá việc khi thông tin đã chính xác thì việc phát triển Mobile Money có thực sự bùng nổ hay không, tránh trường hợp mở ra nhưng không thực hiện được như kỳ vọng.
Cục Viễn thông cho biết hiện nay theo tổng hợp báo cáo từ ba doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone), đến hết tháng 2/2022 chỉ có 9,6% các trường hợp đăng ký Mobile Money không thành công do chưa cập nhập thông tin cơ sở dữ liệu mới trên cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao; 14,5% trường hợp khách hàng không cung cấp lại giấy tờ tùy thân, không đồng ý chụp ảnh chân dung; 3,2% không thành công do sử dụng công nghệ AI, Bigdata và 6% không đủ điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng.
Trong thông tin trả lời Viettel, Cục Viễn thông cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp, phối hợp với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.