Thanh khoản hai sàn khớp lệnh chiều nay tăng vọt 32% so với phiên sáng và thị trường suy yếu đáng kể. VN-Index đóng cửa ở giá thấp nhất ngày với số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp đôi số tăng. Khối ngoại xả ròng hơn 1.037 tỷ đồng trên HoSE với tổng giá trị bán ra chiếm 22,7% giao dịch sàn này.
VN-Index đóng cửa giảm 0,6% tương đương để mất 7,77 điểm, cũng không quá mạnh nhưng cũng là mức giảm sâu nhất và chấm dứt chuỗi phiên tăng bất ngờ trong ngắn hạn vừa rồi. Thị trường quay đầu điều chỉnh trên diện rộng sau khi chỉ số cố “rướn” thêm một nhịp buổi sáng, tiến sát hơn tới mốc 1.300 điểm khi chạm 1.297,96 điểm.
Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tước đi cơ hội chạm đỉnh của chỉ số. Chiều nay đồng loạt các cổ phiếu blue-chips quay đầu đi xuống. VN30-Index cũng đóng cửa ở giá thấp nhất, giảm 0,82% với 6 mã tăng/23 mã giảm. Thống kê cho thấy chiều nay có tới 28/30 mã là tụt giá so với phiên sáng. Hai cổ phiếu không thuộc số này thì đứng im: TPB giảm 0,28% so với tham chiếu và VCB tăng 0,57%. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ duy nhất VCB còn xanh.
Các cổ phiếu trụ đều yếu đi đáng kể trong chiều nay khi đồng loạt quay đầu. BID – cổ phiếu lớn thứ 2 thị trường sau VCB – sụt giảm tới 1,68% so với giá chốt buổi sáng và đóng cửa dưới tham chiếu 1,26%. FPT vốn đã yếu từ sáng, chiều nay giảm thêm 1,62% nữa, đóng cửa giảm 2,55%. GVR giảm thêm 1,73%, mở rộng biên độ ra -2,63%. HPG, GAS, CTG, VHM, VIC đều yếu thêm trong chiều nay và đóng cửa dưới tham chiếu.
Thống kê cũng cho thấy rổ VN30 có tới 18/30 cổ phiếu đóng cửa giá thấp nhất phiên và đại đa số còn lại chỉ cao hơn giá đáy 1-2 bước. Điều này phản ánh sức ép khá quyết liệt trong nhóm cổ phiếu này, nhất là khi thanh khoản rổ VN30 cũng tăng gần 26% so với phiên sáng.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, độ rộng lúc đóng cửa kém hơn hẳn phiên sáng với 151 mã tăng/299 mã giảm. Không chỉ vậy số lượng cổ phiếu giảm quá 1% cũng lên tới 114 mã, trong khi buổi sáng là 47 mã. Thanh khoản của nhóm giảm mạnh nhất này chiếm 43,4% tổng giá trị khớp của sàn với 27 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên. Đây là biểu hiện rõ nhất của hành động bán dứt khoát, chấp nhận hạ giá mạnh tay.
Nhóm tổn thương lớn nhất chiều nay lại là các cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ đã tăng nóng trước đó. Nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn và bán mạnh trong bối cảnh dòng tiền yếu khiến giá rơi rất sâu. ITA, MIG, TV2, ITD, VOS, TNH, TVS, LPB… đều giảm cực mạnh. Dù vậy cũng vẫn có những cổ phiếu có thể điều tiết thanh khoản và đi ngược dòng. Dù tất cả các chỉ số sàn HoSE đều đỏ, nhưng vẫn có 11 cổ phiếu tăng kịch trần, thanh khoản không tệ như HAX, VTO, CKG, VIP, NTL, HHP. Thậm chí lúc đóng cửa, sàn này còn 59 cổ phiếu tăng hơn 1%. Dĩ nhiên nhóm ngược dòng này đa phần giao dịch ít nên thanh khoản chỉ chiếm khoảng 13,4% toàn sàn. EIB, HDG, REE, CMG, KDH, PLX, AGG là những đại diện đáng chú ý nhất, đều khớp được trên trăm tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều duy trì cường độ bán lớn, rút ròng tiếp 513,5 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE. Tính chung cả ngày, khối ngoại bán ròng 1.037,4 tỷ đồng ở sàn này. Giá trị bán đạt 4.960,5 tỷ, chiếm khoảng 22,7% tổng giao dịch sàn. Như vậy chỉ từ đầu tuần, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 3.700 tỷ đồng trên HoSE và dù chưa đi hết nửa đầu tháng 7/2024, tổng mức bán ròng đã tới gần 6.059 tỷ, trong đó cổ phiếu bị rút đi 5.831 tỷ đồng ròng.