Mức cao nhất VN-Index chạm tới sáng nay là 1.297,39 điểm, tăng gần 10 điểm so với tham chiếu và chớm vượt đỉnh tháng 3/2024. Tuy nhiên đà tăng rất không có quán tính, toàn bộ mức tăng này có được ở vài phút đầu tiên sau khi mở cửa. Kết buổi sáng, mức tăng chỉ còn 5,37 điểm tương đương 0,42%. Chỉ số Smallcap bất ngờ tăng 1,19% với thanh khoản bùng nổ.
Thị trường vẫn lặp lại kiểu giao dịch của mấy ngày gần đây là bứt phá ngay khi mở cửa, nhưng trong phiên không thể lên cao hơn hơn mà lình xình hoặc trượt giảm. Đây là ảnh hưởng của sự phân hóa giữa nhóm trụ. Khi không thể tạo điểm đột phá kích thích tâm lý chung, thị trường rơi vào trạng thái giao dịch phân hóa theo dòng tiền. Đây là điểm tích cực khi nhà đầu tư vẫn cảm thấy còn nhiều cơ hội hấp dẫn.
Nhóm VN30 suy yếu rõ rệt. Độ rộng rổ này còn tốt với 18 mã tăng/9 mã giảm nhưng cả loạt cổ phiếu trượt giá khá sâu. VN30-Index chốt phiên sáng tăng không đáng kể 0,29% do nhiều trụ bị ép giá: VIC trượt 1,03% so với giá cao nhất phiên và quay đầu giảm 0,11% so với tham chiếu. TCB trượt 1,21% thành giảm 0,41% so với tham chiếu. SAB có lúc tăng 1,03% nhưng hiện đã giảm 1,03% so với tham chiếu. VNM cũng “bay” mất 1,31% so với đỉnh đảo chiều thành giảm 0,29% so với tham chiếu… VCB, VHM, VPB, BID, MSN… cũng suy yếu ở mức độ khác nhau. Thống kê trong rổ VN30 có tới 17 cổ phiếu trượt giá tối thiểu 1% so với mức đỉnh đầu phiên và không mã nào còn duy trì được ngưỡng cao nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể là một yếu tố khi khối này quay lại xả cực mạnh ở các blue-chips. Tổng giá trị bán ra với các cổ phiếu trong rổ VN30 sáng nay chiếm tới 16,6% thanh khoản của rổ, mức bán ròng tương ứng 330,1 tỷ đồng trong tổng giá trị bán ròng ở HoSE là 525,2 tỷ. Các cổ phiếu bị rút vốn mạnh nhất là FPT -86,9 tỷ, VNM -50,5 tỷ, HPG -41,8 tỷ, VHM -36,7 tỷ SSI -27,8 tỷ, TCB -24,5 tỷ, MSN -20,7 tỷ, VCB -20,3 tỷ.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn đang là tâm điểm hưởng lợi của trạng thái thị trường không đột phá, nhưng ổn định: Chỉ số VNSmallcap đang tăng 1,19% và độ rộng tích cực của VN-Index hầu như dựa vào nhóm này. Toàn sàn HoSE có 111 mã tăng trên 1% thì rổ VN30 chỉ đóng góp 6 mã là GVR, CTG, STB, PLX, BVH, TPB. Rổ Smallcap mới buổi sáng đã khớp tới 2.350,7 tỷ đồng, tương đương 86% so với giao dịch cả phiên trước. Hôm nay hứa hẹn sẽ là một phiên bùng nổ thanh khoản ở nhóm này.
Những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền ấn tượng là HAH tăng 6,89% thanh khoản 473,6 tỷ đồng; VSC tăng 5,07% giao dịch 387,6 tỷ; GMD tăng 3,36% với 228 tỷ; PVT tăng 5,39% với 194,8 tỷ; DBC tăng 2,4% với 164,3 tỷ; VIX tăng 1,39% với 157,6 tỷ; HDG tăng 1,32% với 126,4 tỷ… Loạt cổ phiếu thanh khoản kém hơn thậm chí còn “nóng” hơn nhiều là VOS tăng 6,69%, TV2 tăng 6,22%, IDI tăng 5,83%, ASM tăng 3,33%, VDS tăng 5,6%, NTL tăng 3,43%, PVP tăng 3,87%...
Dòng tiền đổ vào thị trường sáng nay khá ấn tượng với tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết vào khoảng 11.405 tỷ đồng, tăng 45% so với sáng phiên trước và đạt mức cao nhất 4 phiên. Sàn HoSE tăng giao dịch gần 44% đạt 10.424 tỷ đồng. Rổ VN30 tăng thanh khoản tuyệt đối 1.196 tỷ đồng sáng nay nhưng toàn sàn HoSE khớp tăng 3.176 tỷ đồng. Điều này cho thấy các cổ phiếu vừa và nhỏ hút tiền rất khỏe.
Việc chỉ số VN-Index chưa đột phá dứt khoát được có “lỗi” lớn là ở nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt. Đây không phải là hiện tượng mới mà đã kéo dài nhiều tuần nay. Tuy nhiên đối với đại đa số nhà đầu tư, câu chuyện vượt đỉnh không quan trọng bằng cơ hội ngắn hạn cụ thể đang rất tốt ở nhiều mã. Nếu chỉ số đột phá thành công, đó có thể là chất xúc tác tâm lý mạnh mẽ. Nếu không thành công, dòng tiền duy trì ổn định ở mức cao cũng có thể tạo hiệu quả tích cực.