Con số khá ấn tượng đã được đưa ra tại hội thảo Blockchain Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam cách đây ít hôm. Đó là năm 2021 đánh dấu một năm thành công to lớn của các quỹ đầu tư cũng như lượng vốn đổ vào thị trường Blockchain toàn cầu với 25 tỷ USD, tăng gần 700% so với năm 2020, con số lớn nhất từ trước đến nay và bằng tất cả các năm trước cộng lại.
Riêng mảng NFT ghi nhận tăng 13.000% - một mức tăng khủng khiếp - từ 37 triệu USD năm 2020 lên 4,8 tỷ USD năm 2021. Tốc độ tăng trưởng trên cho thấy các quỹ đầu tư, gồm cả các quỹ truyền thống, hoạt động lâu năm cũng đang quan tâm tới lĩnh vực Blockchain.
VIỆT NAM VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG HẤP DẪN VỚI NHÀ ĐẦU TƯ
Sức hút của sân chơi Blockchain được khẳng định khi thời gian qua rất nhiều quỹ đầu tư và các dự án GameFi và DeFi (tài chính phi tập trung) mọc lên như nấm sau mưa, với hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm như Pantera, DeFinance Capital, Binance Labs, Coinbase Ventures, A16Z, Huobi Ventures, Kyros Ventures, Hallo Capital, Coin98, Animoca Brands, Kyber Venture… Các quỹ đầu tư phát triển mạnh nhất trong thời gian 2020 - 2021 khi thị trường tăng trưởng nóng, còn các quỹ đã hoạt động trước từ năm 2018-2019 thì đã có mức lợi nhuận rất lớn. Các quỹ đầu tư ở Việt Nam trong hai năm qua tăng trưởng nhanh và gọi được khá nhiều vốn vào các dự án tại Việt Nam.
"Trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ Blockchain, có 5-7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Những “kỳ lân” công nghệ Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Blockchain toàn cầu".
Một trong những dự án về Blockchain thành công nhất là Axie Infinity. Thương vụ gọi vốn của Axie Infinity lên tới 150 triệu USD chỉ trong vòng thời gian rất ngắn và dẫn đầu bởi Binance. Do đặc thù của các startup trong ngành Blockchain diễn ra với thời gian rất nhanh, từ quy trình thử nghiệm đến lúc hoàn thành gọi vốn có khi tính theo tuần, theo tháng. Đặc biệt ở những giai đoạn “nóng” thì việc gây quỹ trong ngành Blockchain nói chung của Việt Nam và trên thế giới rất dễ dàng. Ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue, cho rằng để gây được tiền 50 nghìn hay 100 nghìn USD với các startup trong những lĩnh vực khác là khá trầy trật, nhưng với các dự án Blockchain thì ngay với số vốn 2 -3 triệu USD cũng không có gì quá khó.
Dù vậy, ngành này cũng có lúc thăng lúc trầm. Từ đầu năm 2022 và nhất là một hai tháng qua, thị trường Blockchain, đặc biệt là GameFi đang trầm lắng, thậm chí đây còn được xem là khoảng thời gian ảm đạm nhất của GameFi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Khôi, CEO Koru Capital, vẫn khẳng định quy mô đầu tư vào thị trường Blockchain tại Việt Nam sẽ không giảm vì rất nhiều quỹ trong nước và nước ngoài vẫn đang chờ để xuống tiền, đầu tư vào các công ty của Việt Nam, chỉ có điều là các quỹ chưa tìm được các công ty về Blockchain đủ chất lượng.
Theo ông Khôi, cộng đồng Blockchain cũng nhưng các cộng đồng startup khác đều phải qua tất cả các giai đoạn từ khởi đầu, hoàn thành phát triển sản phẩm,… đến các vòng gọi vốn series A, B, C…,và theo đó cứ lớn dần lên. Tuy nhiên Việt Nam chưa có số lượng các startup về Blockchain đủ quy mô để các quỹ, công ty lớn rót vốn ở những vòng sau, trong khi trên thế giới đã có các công ty đi tới vòng gọi vốn series E, series F với giá trị lên tới gần tỷ USD.
CEO Koru Capital tin rằng Việt Nam chưa có các công ty có quy mô như vậy nhưng sẽ có vì Việt Nam vẫn là thị trường rất hấp dẫn với các nhà đầu tư, bởi môi trường pháp lý khá thuận lợi cho việc đầu tư. Cụ thể như Chính phủ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về công nghệ, có dân số trẻ, lực lượng lao động tốt, dân số tham gia Internet cao, và tỷ lệ biết đến Crypto (tiền kỹ thuật số) thuộc top 3 thế giới. “Đó là môi trường về mặt vĩ mô. Khi đã thắng về mặt vĩ mô là đã thắng 50% rồi, còn lại là thị trường và chọn mục tiêu”, ông Mạnh Khôi khẳng định.
Nhà sáng lập quỹ đầu tư UB Holdings, ông Hoài Nam cũng cho rằng Việt Nam đang có một nguồn lực rất to lớn trong mảng Blockchain và Crypto. Ông Nam kể khi tiếp cận với nhiều đối tác trên thế giới thì đều nhận được đánh giá Việt Nam là quốc gia thân thiện với Blockchain lẫn Crypto. Ngoài tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ làm dự án thuộc top đầu thế giới còn là những câu chuyện truyền cảm hứng từ những dự án rất thành công của Việt Nam như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network…
Bởi vậy, theo Nhà sáng lập Quỹ đầu tư UB Holdings, đây là thời cơ thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài chú tâm đầu tư vào các dự án của Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp tạo lập nên dự án thành công.
SẼ KHÔNG CÒN "NỖI ĐAU" VỀ MẶT PHÁP LÝ
Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế khiến các quỹ đầu tư đã, đang rót vốn vào các dự án về Blockchain Việt Nam, một nội dung được quan tâm đặt ra hiện nay là thị trường đang đối mặt với rào cản pháp lý – mà giới trong ngành gọi thành “nỗi đau” khiến nhiều startup Blockchain phải “xuất ngoại” sang các nước như Singapore, Cộng hòa Cyprus (Đảo Síp), châu Âu để mở công ty.
Ông Hoài Nam cho rằng khó khăn nhất là pháp lý. Cụ thể là tư duy dài hạn của dự án. Nhiều dự án làm vì thích ở thời một thời điểm cụ thể mà không phải tầm nhìn dài hạn và có thể áp dụng vào hệ sinh thái của Blockchain. Do vậy khó khăn đối với dự án Blockchain thứ nhất là pháp lý trong việc ràng buộc dự án bằng hợp đồng để bảo vệ số tiền đầu tư vào dự án, và thứ hai làm sao các dự án có thể làm đúng và làm được đến lúc tạo ra giá trị cho sản phẩm, cộng đồng.
"Nhà đầu tư trên khắp thế giới sẵn sàng tham gia các hội nghị thượng đỉnh về Blockchain được tổ chức tại Việt Nam. Các công ty Blockchain cũng khao khát được “hạ cánh”. Việt Nam có thể trở thành cái nôi của ngành Blockchain toàn cầu chứ không chỉ cạnh tranh với Singapore như hiện tại nếu chúng ta có hành lang pháp lý phù hợp".
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Nhưng không riêng Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đều đang gặp nhiều rào cản pháp lý về Blockchain, tiền số, vì công nghệ luôn luôn đi trước pháp lý, và pháp lý cần phải có những cải tiến để theo đuổi công nghệ. Theo Chủ tịch OneBlock Labs Nguyễn Thanh Nam, những khó khăn về vấn đề pháp lý thì chính việc thành lập và ra mắt của Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ thúc đẩy để những dự án Blockchain, Crypto sẽ được hợp thức hóa ở Việt Nam.
Với kinh nghiệm và thực tế trong quá trình đi đầu tư vào các dự án Blockchain, ông Nguyễn Thanh Nam cho rằng vấn đề pháp lý của dự án, hay những tiêu chí về token, marketing, nhà tài trợ, đối tác… đều là những yếu tố quan trọng nhưng cốt lõi nhất để nhà đầu tư rót tiền vào dự án Blockchain vẫn là con người trong dự án. “Khi đội ngũ của dự án có tư duy dài hạn, có chiến lược kinh doanh và có khả năng điều hành dự án đủ tốt thì đó chính là chìa khóa để quỹ đầu tư lựa chọn rót tiền”, ông Nguyễn Thanh Nam chia sẻ.
Nhìn nhận ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng công nghệ Blockchain có tiềm năng to lớn khi số doanh nghiệp, nhà khoa học, các kỹ sư theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ. Bởi vậy, theo ông Tùng, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành khoa học và công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Đồng thời sẽ xem xét, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ Blockchain.
Ông Huy Nguyễn, CEO KardiaChain, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain, cho rằng với các công nghệ mới thì không chỉ chú trọng làm nhanh, hiệu quả, mà còn phải đặc biệt lưu ý đến việc làm đúng và an toàn. Để thực hiện được cần hai điều kiện tiên quyết. Thứ nhất là phổ cập kiến thức Blockchain cho cộng đồng, thứ hai là đưa ứng dụng Blockchain có giá trị vào thực tế đời sống. “Với tốc độ hiện tại, theo tôi chỉ 5 năm nữa, công nghệ Blockchain sẽ len lỏi khắp ngóc ngách đời sống người Việt một cách tự nhiên”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Huy Nguyễn kỳ vọng.