Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với ông Trần Phương Bình (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á – viết tắt là DAB) và 8 bị can về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các bị can khác gồm Nguyễn Đức Tài – cựu giám đốc DAB Sở giao dịch, Nguyễn Thị Ngọc Vân – cựu Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, Nguyễn Văn Thuận – cựu Phó giám đốc DAB, Nguyễn Chí Công – cựu Phó trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB, Vũ Thị Thanh Hoa – cựu Trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB, Trần Hoài Ân – cựu cán bộ phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB và Phùng Ngọc Khánh – cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C.
Ngoài vụ án này, ông Bình liên quan đến 3 vụ án khác. Năm 2020, ông Bình lĩnh bản án chung thân thứ 2 trong vụ DAB thất thoát hơn 8.800 tỷ đồng.
NGÂN HÀNG THIỆT HẠI HƠN 5.000 TỶ ĐỒNG
Theo kết luận, từ tháng 9-12/2012, DAB cho nhóm Công ty M&C gồm Công ty Ngôi sao, Công ty Liên Phát, Công ty Phát Vạn Hưng, Công ty Biển Bạc và Công ty Minh Quân vay 1.680 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là một phần quyền sử dụng đất thuộc dự án 7,6 ha tại phường An Phú, quận 2, TPHCM (bao gồm diện tích 41.961m2 đất đã cấp sổ và diện tích 9.102m2 đất đang chờ cấp sổ, 10.981,82m2 đất tạm tính). Tuy nhiên, tài sản đảm bảo chưa được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
Tính đến ngày 24/5/2022, cả 5 khoản vay trên còn dư nợ hơn 5.055 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Bình khai nhận, vào thời điểm năm 2008, Phùng Ngọc Khánh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C gặp khó khăn về tài chính, không có tiền để trả gốc và lãi các khoản vay đến hạn của nhóm M&C. Để đảm bảo ngân hàng không bị tỷ lệ nợ quá hạn quá cao, ông Bình yêu cầu Khánh phải tiếp tục vay để có tiền trả gốc và lãi cho các khoản vay đến hạn.
Vì vậy, Khánh đã đồng ý và chủ động đưa các pháp nhân thuộc nhóm M&C ký hợp đồng vay vốn tại DAB.
Ông Bình thừa nhận đã thực hiện hành vi vi phạm trong việc thỏa thuận, thống nhất với Phùng Ngọc Khánh về việc vay vốn với mục đích trả nợ các khoản vay đến hạn; chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập, ký hợp thức hồ sơ cho vay; trực tiếp phê duyệt cấp tín dụng.
Ông Bình thừa nhận là phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại gây ra cho DAB.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Bình vi phạm quy định Luật Các tổ chức tín dụng. Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015, ngân hàng lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Lời khai của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu Phó Tổng giám đốc DAB thể hiện, ông Bình chỉ đạo Vân về việc DAB cho Phùng Ngọc Khánh vay vốn, khi nào Sở giao dịch đưa hồ sơ lên thì Vân ký.
Những lời khai của các bị can cũng cho thấy, cán bộ tín dụng không thẩm định hồ sơ và tài sản đảm bảo.
“TAY KHÔNG” VAY NGHÌN TỶ ĐỒNG
Kết luận điều tra xác định, cả 5 công ty trên không đáp ứng điều kiện vay vốn, vì các pháp nhân này không phát sinh doanh thu, lợi nhuận, không chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ. Phương án kinh doanh, phương án vay vốn được lập khống, việc hợp tác đầu tư chưa có sự chấp thuận của Công ty Đại Tín (đồng chủ đầu tư dự án tại phường An Phú với Công ty cổ phần M&C); dự án đầu tư chưa có căn cứ xác định tính khả thi thực tế. Tài sản bảo đảm chưa đủ căn cứ pháp lý để thế chấp.
Cho đến nay, 5 công ty trên đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.055 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi.
Hoàng Đỗ Huy, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Liên Phát khai nhận được Khánh trao đổi lập Công ty Liên Phát để xin cấp phép đầu tư xây dựng dự án tại quận 2, TP.HCM. Huy biết Khánh có nhiều công ty được lập ra để xử lý tài chính, một số anh em cùng làm trong công ty đứng tên giám đốc.
Ngoài việc ký hợp đồng vay vốn với DAB, Huy còn ký hợp đồng hợp tác với 4 công ty còn lại để các công ty này dùng làm phương án kinh doanh để vay vốn tại DAB. Thực chất, Huy không biết cụ thể nội dung các hợp đồng này.
Huy giải thích lý do ký hồ sơ giúp Khánh do “chủ quan” và “quá tin tưởng Khánh làm ăn đàng hoàng”.
Triệu Hồng Cẩm, Giám đốc Công ty Biển Bạc trình bày, Khánh có thỏa thuận mua cổ phần Công ty Biển Bạc nhưng chưa thực hiện được. Sau đó, Khánh nhờ Cẩm ký giúp hồ sơ vay vốn DAB để đầu tư Tòa nhà Saigon One Tower, sau khi tìm được người thay thế sẽ rút tên bà Cẩm ra.
Còn Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Phát Vạn Hưng khai nhận là cán bộ công an đã nghỉ hưu, có tham gia bảo vệ trụ sở Công ty cổ phần M&C nên quen biết Khánh. Cuối năm 2010, Dũng thành lập công ty để làm môi giới bất động sản. Từ khi thành lập, công ty không phát sinh doanh thu, không có đối tác, khách hàng. Công ty chỉ ký duy nhất hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Phát Vạn Hưng theo chỉ đạo của Khánh.
Dũng khai nhận ký hợp đồng vay vốn với DAB khi không có chuyên môn tài chính, không rành thủ tục đầu tư. Dũng thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng do tin tưởng Khánh và cho rằng khoản vay có tài sản đảm bảo, nhóm Công ty M&C có năng lực tài chính mạnh nên ký hồ sơ vay vốn giúp Khánh.
Công an xác định đây là những cá nhân làm công ăn lương, bị phụ thuộc, ký hồ sơ vay theo chỉ đạo của Khánh, không được bàn bạc, không biết tổng thể và không được hưởng lợi. Đồng thời Phùng Ngọc Khánh đã nhận toàn bộ trách nhiệm nên công an không xem xét trách nhiệm hình sự với họ.
DAB có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79&.
Cơ cấu cổ đông DAB gồm nhóm cổ đông do ông Bình đại diện nắm giữ 10,25% vốn, nhóm cổ đông PNJ nắm giữ 7,8% vốn…
Năm 2015, các sai phạm xảy ra tại DAB khiến tổng dư nợ lên đến 20.233 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 9 nhóm khách hàng và cá nhân liên quan. Vì lý do này, năm 2015, DAB rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt.