July 20, 2023 | 12:02 GMT+7

Vụ 9,4 triệu sách giáo khoa giả: Làm rõ hành vi hối lộ 300 triệu đồng

Đỗ Mến -

Tại tòa, ông Hùng nhiều lần khẳng định kết luận điều tra và cáo trạng là chưa đúng. Cựu cục phó Cục quản lý thị trường Hà Nội nói: “Suốt 10 năm công tác, không một ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi”.

Các bị cáo hầu tòa ngày 19/7.
Các bị cáo hầu tòa ngày 19/7.

Từ ngày 19- 26/7, sau 3 lần tạm hoãn, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với 36 bị cáo trong vụ án sản xuất hơn 9,4 triệu sách giáo khoa. 

Bị cáo Trần Hùng (SN 1962) - cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Tổ trưởng tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường bị truy tố về hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Duy Hải bị truy tố về tội Môi giới hối lộ.

3 bị cáo gồm Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương – cựu đội phó và kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17 bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

31 bị cáo còn lại bị truy tố về các tội Sản xuất buôn bán hàng giả trong đó Cao Thị Minh Thuận – Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu.

CỰU CỤC PHÓ KHẲNG ĐỊNH KHÔNG NHẬN HỐI LỘ

Quá trình xét hỏi, ông Trần Hùng khai nhận, Tổ 304 là đơn vị tiếp nhận, xác minh thông tin liên quan đến hàng giả, tổ thành lập mang tính kiêm nhiệm chưa có chuyên trách cụ thể. 

Sáng 8/7/2020, ông Hùng trực tiếp nhận nguồn tin từ ông Nguyễn Đăng Quang, trợ lý Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đề nghị kiểm tra đột xuất một kho hàng nghi mua bán sách giáo khoa giả. 

Sau đó, ông Hùng đã báo cáo Tổng Cục trưởng. Sau khi trực tiếp cùng ông Quang đi kiểm tra, ông Hùng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cùng Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.

Kết quả đã phát hiện hơn 27.000 quyển sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát.

Cáo trạng thể hiện, ông Hùng không báo cáo việc này với Tổng cục trưởng mà trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.

Về vấn đề này, ông Hùng khai nhận:  "Khi anh Nguyễn Đăng Quang, trợ lý Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đến báo cáo tôi, chỉ một chỗ có dấu hiệu chứa sách giáo khoa giả lớn là anh ấy rất tin tưởng tôi. Với kinh nghiệm 10 năm làm công tác chống hàng giả, tôi hiểu ngay đây là vấn đề nghiêm trọng và phải chọn người tâm huyết để chuyển tin này" và "Tất cả phải làm bí mật, tuyệt đối bí mật, bởi chỉ lộ ra là hỏng".

Diễn biến theo cáo trạng thể hiện, bị cáo Thuận đã nhắn tin cho ông Hùng nhờ giúp đỡ xin xử lý nhẹ vụ việc. Ông Hùng "đồng ý tha" với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Sau đó Thuận liên hệ với Nguyễn Duy Hải nhờ vả.

Ông Hùng đã hướng dẫn Hải về nói với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc sách, từ sách mua thành sách do người khác mang đến ký gửi. Tối 14/7/2020, Hải nhận 300 triệu đồng từ Thuận.

Sáng 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc của ông Hùng. Tại đây, Hải nói Thuận đưa trước 300 triệu đồng và đưa túi tiền nhưng ông Hùng nói cất đi.

Đầu giờ chiều, Hải cầm túi tiền quay lại Tổng cục quản lý thị trường. Khi đi đến khu vực làm việc của Cục nghiệp vụ tại tầng 2, Hải quay lại phía khu vực cầu thang tầng 2, đi lên tầng 3, men theo lối hành lang tòa nhà để đi vào phòng làm việc của ông Hùng qua cửa sau.

Cáo trạng kết luận, ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng từ Hải. Ông Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương tạo điều kiện giúp đỡ cho Thuận theo hướng xử lý hành chính.

Tại tòa, ông Hùng nhiều lần khẳng định kết luận điều tra và cáo trạng là chưa đúng. Cựu cục phó Cục quản lý thị trường Hà Nội nói: “Suốt 10 năm công tác, không một ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi”.

Đối chất với lời khai trên, bị cáo Hải khai nhận, sáng 14/7/2020 gặp bị cáo Trần Hùng cùng hai người khác ở quán cafe trên đường Nguyễn Xí (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại đây, Hải đặt vấn đề về việc Thuận xin bỏ qua vụ việc phát hiện sách giáo khoa giả và sẽ gửi 400 triệu đồng cảm ơn.

"Lúc đó anh Hùng còn cười rất to, sảng khoái và vỗ mạnh vào đùi nói là: Chúng mày đã thấy bọn nhà sách giàu chưa. Anh Hùng đồng ý và hẹn thì bị cáo mới cầm tiền lên tận phòng ", Hải khai.

SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SÁCH GIẢ, THU LỜI HƠN 30 TỶ ĐỒNG

Theo cáo trạng, bị cáo Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cảnh sát thu giữ. 

Với số lượng tiêu thụ hơn 6,3 sách giả thì giá trị sách theo giá bìa là hơn 164,2 tỷ đồng; giá trị theo hóa đơn bán lẻ (trừ chiết khấu) là hơn 73,3 tỷ đồng. Viện kiểm sát quy kết, nhóm này thu lời bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Cao Minh Thuận thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Quá trình sản xuất sách giả, bị cáo bán lại cho các bên với giá thỏa thuận sau khi trừ chiết khấu giảm 30%-65% so với giá trị trên bìa.

Nhiều bị cáo khác đều nhận thức rõ hành vi, thành khẩn khai báo. 

 

Phiên tòa này dự kiến diễn ra trong 1 tuần, do Thẩm phán Mai Văn Quang làm Chủ tọa. Có 30 luật sư tham gia phiên tòa. Trong đó, bị cáo Trần Hùng có 5 luật sư tham gia bào chữa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate