Chiều 25/7, phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và đồng phạm tiếp tục với phần luận tội và tranh luận.
ĐỀ NGHỊ MỨC ÁN CỤ THỂ
Viện kiểm sát nhận định thị trường chứng khoán là kênh đầu tư hiệu quả của người dân đồng thời là nơi huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong vụ án này, các bị cáo làm “ảnh hưởng niềm tin của hàng trăm nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng một số đồng phạm là những người am hiểu thị trường chứng khoán nhưng quyết định, chỉ đạo các bị cáo khác làm sai quy định, lợi dụng sàn chứng khoán để thu lợi bất chính.
Một số bị cáo trong vụ án còn là người am hiểu sâu trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán nhưng tạo kẽ hở cho nhóm Trịnh Văn Quyết lách luật, phạm tội trong lĩnh vực này. Hành vi của các bị cáo trong vụ án làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước; gây bức xúc trong nhân dân; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư…
Cáo buộc xác định, ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã thực hiện hành vi nâng vốn khống, bán 391.155.480 cổ phiếu khống, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các bị cáo thao túng 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI,GAB, FLC, ART để thu lời bất chính số tiền hơn 684 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Viện kiểm sát xác định bị cáo Quyết giữ vai trò chủ mưu song được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như khai báo thành khẩn, năn năn hối cải; có thái độ tích cực khắc phục hậu quả...
Trong quá trình xét xử, bị cáo Quyết khai nhận đã bán hãng Bamboo Airways giá 700 tỷ đồng để khắc phục hậu quả nhưng bị nợ 500 tỷ đồng. Bị cáo đề nghị tòa tạo điều kiện cho bán 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC để trả cho bị hại. Dù vậy, Viện kiểm sát cho rằng đến nay chỉ có thể ghi nhận bị cáo đã nộp hơn 200 tỷ đồng tiền mặt, con số này “không đáng kể” so với số tiền 4.300 tỷ đồng cần khắc phục.
Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết mức án từ 24 – 26 năm tù với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị từ 17 – 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga từ 10 – 12 năm tù…
Về dân sự, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Quyết phải có trách nhiệm bồi thường chính.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 18 tháng tù- 16 năm tù về các tội khác nhau như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
LUẬT SƯ ĐỀ NGHỊ KHÔNG XEM XÉT HƠN 30.000 NHÀ ĐẦU TƯ LÀ BỊ HẠI
Trước khi diễn ra phiên tòa, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong phiên chào sàn tới phiên tòa với tư cách bị hại.
Bào chữa cho thân chủ, luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho rằng, Viện kiểm sát đang thực hiện phân loại 2 nhóm bị hại gồm nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán và nhóm 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (không phân biệt nhà đầu tư đã bán hay vẫn đang sở hữu cổ phiếu).
Luật sư trích dẫn Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và cho rằng nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại.
Việc xác định nhóm 30.403 nhà đầu tư là bị hại là không phù hợp với khoa học pháp lý, không đáp ứng các tiêu chí về bị hại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Luật sư phân tích, trên cơ sở tra cứu ngẫu nhiên đối với hồ sơ, tài liệu làm việc giữa cơ quan điều tra/cơ quan uỷ thác điều tra với 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ban đầu thì nhiều trường hợp nhà đầu tư mua cổ phiếu ban đầu (thuộc 30.403 nhà đầu tư) nhưng sau đó đã bán và có lãi.
“Chúng tôi cũng khẳng định, khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu là rất lớn. Bởi lẽ, thực tế sau giai đoạn bị cáo Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu ROS ban đầu ra thị trường giá cổ phiếu ROS trên thị trường có xu hướng tăng liên tục trong một thời gian dài sau đó, từ 2.000 đồng/cp (giai đoạn tháng 4-6/2020) lên 13.600 đồng/cp (giai đoạn tháng 7/2020 – 12/2021)”, luật sư trình bày.
Do đó, luật sư Yến đề nghị xác định số tiền chiếm đoạt trong vụ án là hơn 2,2 tỷ đồng, tương đương với thiệt hại của 133 bị hại. Ngoài ra, cần xem khoản hơn 3.618 tỷ đồng cáo trạng cáo buộc bị cáo Quyết chiếm đoạt của các nhà đầu tư là “khoản tiền hưởng lợi không ngay tình” từ các hành vi trong vụ án.
Theo luật sư, về nguyên tắc, ngay tại thời điểm nhà đầu tư bán cổ phiếu ra thị trường, nhà đầu tư đã thu hồi lại một phần hoặc toàn bộ hoặc nhiều hơn số tiền đã bỏ ra ban đầu. Theo đó, yếu tố chiếm đoạt đã không còn tồn tại, phần thiệt hại được sẽ là không có đối với nhà đầu tư đã thu hồi toàn bộ hoặc nhiều hơn đối với số tiền đã bỏ ra.
Còn theo luật sư Trần Nam Long, việc truy tố bị cáo Quyết thao túng chứng khoán mã HAI với số tiền thu lời bất chính hơn 238,9 tỷ đồng là không thỏa mãn. Bởi lẽ, trong cáo trạng, cơ quan tố tụng xác định hành vi thao túng chứng khoán với mã cổ phiếu AMD diễn ra trong giai đoạn trước 1/8/2017, trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực nên chỉ bị xử lý hành chính.
Tuy nhiên, hành vi thao túng chứng khoán mã cổ phiếu HAI diễn ra từ ngày 26/6/2017 – 9/2/2018, do đó cần tách hành vi ở 2 giai đoạn khác nhau. Hành vi xảy ra trước năm 2018 thì bị xử phạt hành chính, hành vi xảy ra sau năm 2018 thì bị xử lý hình sự.
Trong khi đó, tự bào chữa tại tòa, một số bị cáo cho rằng bản thân chỉ làm thuê, không nhận thức được sai phạm.
Bị cáo Chu Tiến Vượng (Chánh văn phòng HĐQT, Phó Chủ tịchThường trực HĐQT Công ty BOS) cho rằng, bị cáo chỉ được anh Quyết nhờ đứng tên cổ phần. Trong quá trình làm việc, bị cáo không được bàn bạc, hưởng lợi.
Bị cáo cũng chỉ nhìn thấy phần nổi, không nhìn thấy phần chìm, bản chất của sự việc. Bị cáo thừa nhận sai phạm do nhận thức hạn chế, cả nể, tin tưởng bạn bè, đặt lòng tốt không đúng chỗ và sai cách.