June 04, 2024 | 18:45 GMT+7

Vụ lừa đảo hơn 2.700 tỷ đồng: Rủi ro khi giao dịch qua tài khoản cá nhân

Đỗ Mến -

Thay vì qua quầy giao dịch ngân hàng hoặc gửi tiền theo hình thức online, nhiều khách hàng đã lựa chọn phương thức gửi tiền trong phòng riêng và thông qua tài khoản cá nhân, tạo thuận lợi cho các đối tượng chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vụ án Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, cựu Phó giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức cho thấy những rủi ro pháp lý trong việc gửi tiền.

LẬP CÔNG TY “SÂN SAU”, CHIẾM ĐOẠT HƠN 2.700 TỶ ĐỒNG

Theo cáo trạng, khoảng năm 2014, do cần tiền để sử dụng và chi tiêu cá nhân, Nhung đưa ra các thông tin không có thật với những người quen biết để lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.

Theo đó, Nhung tung tin về việc ngân hàng có các chương trình gửi tiền dành cho khách hàng gồm: Chương trình tiền gửi tiền có kỳ hạn, rút gốc linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên hoặc dành cho khách hàng là lãnh đạo nội bộ trong hệ thống; các Chương trình tiền gửi giữ hộ tiền mặt có kỳ hạn, tiền gửi trong giao dịch tài chính, trái phiếu ngân hàng có kỳ hạn dành cho khách hàng ưu tiên với lãi suất cao từ 7,5% - 32%/năm, nhận tiền quà “chăm sóc khách hàng” có giá trị lớn…

Theo thông tin Nhung đưa ra, các chứng chỉ này được quản lý riêng trên hệ thống tài khoản nội bộ của các lãnh đạo ngân hàng, không phát hành rộng rãi và đề nghị những nguòi có nhu cầu chuyển tiền cho Nhung, bị cáo sẽ có trách nhiệm chuyển tiền vài tài khoản của ngân hàng và gửi lại chứng từ, trả tiền gốc và tiền lãi, tiền chăm sóc khách hàng của Ngân hàng chuyển cho họ.

Nhung còn nói dối về việc ngân hàng bán bán đấu giá tài sản thanh lý là các bất động sản nợ xấu, nếu có nhu cầu đầu tư, chuyển tiền vào Công ty TNHH tư vấn đầu tư và quản lý tài sản Việt Nam là “công ty sân sau” của nội bộ các lãnh đạo ngân hàng.

Thực tế, công ty này do Nhung thành lập, nhờ Nguyễn Thị Diệu Linh đứng tên Tổng giám đốc. Thực chất Nhung mới là người quản lý, sử dụng tài khoản của công ty để ký quỹ đầu tư mua bán đấu giá tài sản thanh lý nợ xấu tại ngân hàng.

Thời gian ký quỹ ngắn là 5 ngày, 10, 15 hoặc 25 ngày, khách hàng sẽ nhận lại toàn bộ tiền gốc và được hưởng tiền lợi nhuận chênh lệch từ 10- 14% số tiền nộp ký quỹ, tùy từng tài sản đấu giá, để nhận tiền của người có nhu cầu gửi tiền ký quỹ đầu tư.

Sau khi nhận tiền, Nhung không thực hiện như đã ký cam kết mà sử dụng phần lớn số tiền để trả tiền lãi, hoặc tiền lợi nhuận, tiền chăm sóc khách hàng, tiền quà tặng cho những người nộp tiền. Thực tế, Nhung lấy tiền của người nộp sau trả cho người nộp tiền trước, số tiền còn lại Nhung chiếm đoạt sử dụng và chi tiêu cá nhân.

Bên cạnh đó, Nhung còn làm giả 57 tài liệu gồm chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút gốc linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên, sổ tiền gửi tiết kiệm, Sổ tiền gửi đảm bảo bằng đồng USD, Giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn, Chứng chỉ tiền gửi giữ hộ tiền mặt có kỳ hạn, Trái phiếu ngân hàng có kỳ hạn…

Với thủ đoạn trên, từ năm 2014 đến 5/2022, thông qua các trung gian hoặc trực tiếp nhận tiền của các bị hại, Nhung đã lừa đảo khoảng 100 người, chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng để gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, giữ hộ tiền mặt, gửi tiền ký quỹ đầu tư mua bán thanh lý đấu giá các tài sản nợ xấu…

Đến nay, cơ quan điều tra xác định có 46 bị hại. Những người này đã chuyển cho Nhung hơn 788 tỷ đồng. Bị cáo đã dùng phần lớn số tiền này để trả tiền lãi hoặc tiền lợi nhuận cho các bị hại hơn 477 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Nhung còn chiếm đoạt của các bị hại hơn 311 tỷ đồng.

RỦI RO PHÁP LÝ KHI GIAO DỊCH QUA TÀI KHOẢN CÁ NHÂN  

Hồ sơ vụ án thể hiện, những cuộc giao dịch của Nhung với các bị hại chủ yếu diễn ra tại phòng làm việc và trực tiếp thông qua tài khoản của Nhung.

Đơn cử như trường hợp của anh Hải A. thông qua người quen nên biết Nhung. Anh A. trực tiếp đến phòng làm việc của Nhung để trao đổi về việc tham gia đấu giá tài sản nợ xấu. Từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022, anh A. đã chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của Nhung hơn 193 tỷ đồng.

Nhung đưa lại cho anh A. 6 hợp đồng tiền gửi ký quỹ trong mua bán thanh lý đấu giá các tài sản nợ xấu và 4 giấy chứng nhận tiền ký quỹ mua tài sản thanh lý. Kèm hợp đồng, Nhung có ký giấy nhận nộp tiền và đóng dấu công ty. Nhưng đã chuyển lại lợi nhuận cho anh A. hơn 94,7 tỷ đồng; còn chiếm đoạt hơn 99 tỷ đồng.

Một trường hợp là giáo viên cũng bị Nhung chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng. Cả hai giao dịch tại phòng làm việc của Nhung và người này chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của Nhung với lãi suất hứa hẹn 36%/năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate