Ngày 12/5, sau 3 ngày xét xử, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị xử phạt cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai 5-6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" trong vụ giao 3 lô đất trái quy định cho doanh nghiệp, gây thiệt hại hơn 45 tỉ đồng.
ĐỀ NGHỊ MỨC ÁN CỤ THỂ
Cùng tội danh trên, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận - Lương Văn Hải bị đề nghị 4-5 năm tù; cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Hồ Lâm và cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Lê Nguyễn Thanh Danh 4-5 năm tù; cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Ngô Hiếu Toàn 30-36 tháng tù.
Cựu giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Đặng Hoài Nhân cùng cựu Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thu Phong 30-36 tháng tù; cựu Chi cục trưởng Quản lý đất đai Nguyễn Thanh Cho, cựu Phó Chi cục trưởng Lê Nam Hưng và 2 cựu cán bộ Phạm Duy Cường 24-30 tháng tù; Lê Anh Huy 18-24 tháng tù.
Bị cáo còn lại là ông Nguyễn Văn Phong - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Giám đốc Sở Tài chính bị đề nghị 24-30 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Viện Kiểm sát đánh giá, những sai phạm của các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng, để lại dư luận xấu và ảnh hưởng đến tính chặt chẽ của quy định quản lý đất đai của Nhà nước. Việc đưa các bị cáo nguyên là cựu cán bộ, lãnh đạo địa phương thể hiện tính răn đe của pháp luật, không có vùng cấm.
Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, các bị cáo có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Thuận, phạm tội không tư lợi. Do đó, cơ quan công tố kiến nghị tòa cân nhắc xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Viện Kiểm sát ghi nhận, Công ty Tân Việt Phát tự nguyện nộp bổ sung 45 tỷ đồng.
Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, khu đất trong vụ án vốn là nghĩa địa, nhiều mồ mả; hố sâu khi di dời hài cốt nên không mỹ quan, các nhà đầu tư không quan tâm; dính tới yếu tố tâm linh nên khó đấu giá.
Trong khi đó, áp lực thu ngân sách của tỉnh lớn nên các bị cáo trong vụ bán cho Tân Việt Phát vì mục đích chung, vì tỉnh, chứ không vụ lợi.
Cáo trạng thể hiện, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất, tổng diện tích hơn 9 ha thuộc quỹ đất 2 bên đường ĐT.706B phường Phú Hài, TP Phan Thiết với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.
Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận giao 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát song vẫn áp dụng giá được phê duyệt từ năm 2013. Việc này vi phạm khoản 3, Điều 108 Luật Đất đai, khiến nhà nước thiệt hại 45 tỷ đồng.
Quá trình tố tụng, đại diện Công ty Tân Việt Phát khai việc đấu giá đất công khai nhiều lần nên công ty biết. Nhưng do khu đất nhiều mồ mả nên công ty chỉ đề nghị tỉnh giao đất không qua đấu giá, không đề nghị gì về giá đất.
Công ty không có tiếp xúc với các lãnh đạo của tỉnh, sở, ngành, ''chắc chắn các bị cáo không hưởng lợi ích gì từ công ty''. Công ty cũng đề nghị nộp bổ sung 45 tỷ đồng nếu tòa xác định số tiền này là thiệt hại.
ĐIỀU LUẬT 108 KHÔNG PHẢI LÀ XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT?
Viện kiểm sát nhận định rằng UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất năm 2017 nhưng áp dụng giá đất năm 2013 là vi phạm khoản 3, Điều 108 Luật Đất đai vì thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Hai cho rằng nhận định trên là áp dụng sai pháp luật.
Khoản 3, Điều 108 Luật Đất đai không phải là điều luật xác định giá đất mà quy định về thời điểm bắt đầu thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất. Điều 112, 114 luật Đất đai và Nghị định 44/2014 mới quy định về xác định giá đất.
Cơ quan tố tụng áp dụng khoản 3, Điều 108 theo cách hiểu là UBND tỉnh có quyết định giao đất, cho thuê đất vào tháng 7/2017 thì giá giao đất, giá cho thuê đất phải là giá đất tại tháng 7/2017 là áp dụng sai tinh thần điều luật này. Bởi lẽ việc giao đất, cho thuê đất là cả một quy trình rất nhiều bước, còn phải thẩm định, thẩm tra lấy ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn…
Các luật sư cũng đặt vấn đề, nếu như UBND tỉnh phê duyệt giá đất tại tháng 3/2017 nhưng do thủ tục hành chính phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề nên đến tháng 4/2017 mới có quyết định giao đất/cho thuê đất thì việc áp dụng giá đất tháng 3/2017 có sai không?
Mặt khác, theo Điều 112 Luật Đất đai thì, yếu tố phải xác định theo thời điểm giao đất là “mục đích sử dụng hợp pháp”, chứ không phải yếu tố mức giá. Còn về mức giá, pháp luật chỉ quy định là phải phù hợp với “giá phổ biến trên thị trường” – là mức giá xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong các giao dịch đã chuyển nhượng trên thị trường – khoản 3 Điều 3 Nghị định 44/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, pháp luật không có quy định, nếu như có giá đất cụ thể rồi thì giá đất này có hiệu lực trong thời hạn mấy tháng hay chỉ có hiệu lực trong mấy năm, bao nhiêu lâu thì phải xác định lại?
Các luật sư cũng cho rằng việc xác định giá đất cụ thể phải có kế hoạch, nghĩa là phải có bảng tổng hợp các thửa đất cần định giá cụ thể của hàng năm, phải được phê duyệt kinh phí định giá.
Bên cạnh đó, khi UBND tỉnh giao đất cho Công ty Tân Việt Phát thuê đất đã không làm lại thủ tục để xác định lại giá đất cụ thể.
Tuy nhiên, việc này không phải là cố ý vi phạm Luật Đất đai, làm trái quy trình mà bởi vì quy định pháp luật có hiệu lực trên địa bàn tỉnh cho phép nếu đã 2 lần đấu giá không thành thì được giao đất theo giá khởi điểm đã được phê duyệt. Mà giá khởi điểm là giá đất cụ thể vẫn phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, đảm bảo tiêu chí theo Điều 112, 114.
Vì vậy, các luật sư đề nghị xem xét lại mức độ vi phạm của ông Hai.