Phát biểu vào hôm thứ Sáu tuần trước, Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, đều nói rằng việc tăng lãi suất bổ sung là cần thiết để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% như Fed đề ra.
GIỚI CHỨC FED KHÔNG MUỐN CHẤM DỨT TĂNG LÃI SUẤT QUÁ SỚM
“Chúng tôi đang nhận thấy lãi suất chính sách có một số tác động đến các bộ phận của nền kinh tế. Thị trường lao động vẫn mạnh, nhưng lạm phát lõi không giảm mấy và có lẽ cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để kéo lạm phát lõi xuống”, ông Waller nhận định tại một sự kiện được đăng cai bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Oslo, Na Uy.
Ông Barkin đồng tình với quan điểm đó. Tại một sự kiện ở bang Maryland, vị quan chức này nói rằng ông “vẫn chờ có bằng chứng thuyết phục để tin rằng nhu cầu đang dịu đi và bất kỳ sự suy yếu nào trong nền kinh tế cũng kéo lạm phát xuống theo”.
Dự báo kinh tế mới nhất của Fed cho thấy hầu hết các quan chức ước tính rằng lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate), lãi suất cơ bản của Mỹ, sẽ đạt đỉnh trong khoảng 5,63-5,87% trong năm 2023. Mức lãi suất dự báo này đồng nghĩa với khả năng có thêm hai đợt tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm. Từ trước khi Fed công bố quyết định giữ nguyên lãi suất vào hôm thứ Tư tuần vừa rồi, một loạt quan chức Fed đã bày tỏ lo ngại rằng lạm phát có thể không đi theo một lộ trình nhất định để về mức 2%.
Theo dự báo mà Fed đưa ra, hầu hết các quan chức đều kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PEC) - thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng - trong năm 2024 vẫn còn cao hơn mục tiêu 2% của Fed năm 2024, và phải đến năm 2025 mới hạ về 2%.
Trong tuyên bố sau cuộc họp hôm thứ Tư, Fed nói rằng việc tạm dừng tăng lãi suất “cho phép đánh giá thông tin bổ sung và ý nghĩa đối với chính sách tiền tệ”. Hệ quả của việc giữ lãi suất để rồi lại tăng lãi suất là điều vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc này gợi nhớ đến chiến lược “dừng và đi” mà Fed đã sử dụng trong những năm 1970 để rồi hứng thất bại nặng nề.
Quyết định khởi động lại các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế được công bố trong những tuần và tháng tới. Nhưng một số dấu hiệu ở thời điểm hiện tại đã chỉ ra sự giảm lạm phát trong tương lai.
Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Ernst & Young, nhận định trong một báo cáo: “Fed sẽ biết thêm rất ít về hướng di chuyển của lạm phát và việc làm từ nay đến cuối tháng 7, vì từ nay tới đó chúng ta sẽ chỉ nhận được thêm một báo cáo việc làm và một báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hơn nữa, dữ liệu lạm phát tiếp theo có thể sẽ cho thấy áp lực lạm phát giảm bớt - do đó mâu thuẫn với bất kỳ lập luận logic nào (và được cho là phụ thuộc vào dữ liệu) - về việc tạm dừng vào tháng 6 và tăng lãi suất vào tháng 7”.
Trong cuộc họp báo sau quyết định của Fed hôm thứ Tư, ông Powell nói rằng ông lạc quan về việc lạm phát đang giảm xuống, đồng thời cho biết thêm rằng giá thuê nhà đi xuống sẽ là một động lực để giảm lạm phát trong tương lai. Nhóm nhà ở chiếm hơn 40% rổ hàng hoá và dịch vụ tính CPI lõi của Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng bất kỳ dự báo nào mà mọi người đang đưa ra về lạm phát giảm trong năm nay hoặc năm tới sẽ đều có một phần đóng góp lớn từ nguồn đó”, ông Powell nói.
Tuy nhiên, các lực lượng kinh tế đẩy giá tiêu dùng tăng vẫn còn, chẳng hạn như thị trường lao động bền vững và chi tiêu được hỗ trợ bởi người tiêu dùng có thu nhập tăng thêm - ông Barkin nhận định. Nếu những yếu tố đó không có sự chuyển biến để cho phép giảm lạm phát hơn nữa, thì việc tăng lãi suất vẫn còn là một khả năng.
“Tôi muốn nhắc lại rằng lạm phát 2% là mục tiêu của chúng tôi và tôi vẫn đang rất muốn tin rằng nhu cầu chậm lại sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu đó một cách tương đối nhanh. Nếu dữ liệu sắp tới không cho thấy điều đó, thì tôi cảm thấy thoải mái khi tiếp tục tăng lãi suất”, ông Barkin nói.
“Tôi nhận ra rằng việc tăng lãi suất lên cao hơn dẫn tới nguy cơ suy thoái lớn hơn, nhưng kinh nghiệm của những năm 1970 cho thấy một bài học rõ ràng: Nếu bạn từ bỏ việc chống lạm phát quá sớm, lạm phát sẽ quay trở lại mạnh hơn, buộc Fed phải làm nhiều hơn nữa, thậm chí còn gây ra nhiều thiệt hại hơn. Đó không phải là một rủi ro mà tôi muốn chấp nhận”, vị quan chức Fed bày tỏ quan điểm.
CĂNG THẲNG NGÂN HÀNG SẼ KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN LẬP TRƯỜNG CỦA FED
Tại hội thảo ở Na Uy, ông Waller cũng nói rằng chiến lược lãi suất của Fed nên được duy trì vững chắc vì lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed, ngay cả khi có những căng thẳng kéo dài trong hệ thống ngân hàng. Ông nói rằng đó là bởi vì Fed đã có các công cụ để giải quyết các bất ổn tài chính.
“Hãy để tôi nói rõ ràng: Công việc của Fed là sử dụng chính sách tiền tệ để đạt được nhiệm vụ kép của mình, và ngay bây giờ, điều đó có nghĩa là tăng lãi suất để chống lạm phát. Công việc của các sếp ngân hàng là đối phó với rủi ro lãi suất và gần như tất cả bọn họ đã làm chính xác điều đó. Tôi không ủng hộ việc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ chỉ vì lo ngại chuyện quản lý kém hiệu quả tại một số ngân hàng”, ông Waller phát biểu.
Ông Michael Gapen, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu BofA Global Research, nói với CNN rằng các ngân hàng khu vực của Mỹ hiện đang phải đối mặt với những khó khăn như khả năng sinh lời thấp, chi phí vốn cao hơn, các vấn đề về bất động sản thương mại, quy chế giám sát mới, và vấn đề về đáo hạn trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo ông Gapen, căng thẳng trong hệ thống ngân hàng khu vực vào thời điểm hiện tại “không trở nên tồi tệ hơn nhưng có lẽ cũng không khá hơn nhiều”, thể hiện qua việc quy mô cho vay khẩn cấp của Fed chỉ giảm nhẹ chứ không giảm nhiều.