July 27, 2024 | 07:00 GMT+7

Xanh hóa ngành dệt may: Cơ hội từ trong thách thức

Anh Khuê -

“Xanh hóa” từ chuỗi sản xuất đến nguồn cung ứng đang là xu thế chung của toàn cầu, trong đó doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc...

Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hằng năm 12%. Ảnh minh họa.
Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hằng năm 12%. Ảnh minh họa.

Xu hướng phát triển công nghiệp xanh đang tập trung vào hai mục tiêu chính: Hạn chế phát thải CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra môi trường và phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp.

SẢN XUẤT XANH, BẢO ĐẢM THỰC THI CÁC CAM KẾT FTAs

Trong các hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới, yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát thải thấp đều được đặt ra như một cam kết mang tính ràng buộc. Trong đó, các sản phẩm, nhãn hàng được đánh giá khắt khe hơn về yêu cầu phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về các đòi hỏi, bao gồm: môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu.

Đây là thách thức đồng thời là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hướng đến và thực hiện đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, quy trình sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn xanh chặt chẽ nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như ngoài nước.

Theo một nghiên cứu gần đây, dệt may (bao gồm thời trang,…) và da giày là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai thế giới, sau ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ.

Dệt may đang ở thời hưng thịnh, thời trang ngày càng phát triển, giá thành thấp và số lượng nhiều hơn, thì vấn đề ô nhiễm môi trường do ngành này gây ra càng trở nên nghiêm trọng. Các chất gây hại do ngành này thải ra gồm; khí nhà kính, hoá chất độc hại, hạt vi nhựa,…

Hơn nữa, đây còn là ngành sản xuất không chỉ tiêu tốn rất nhiều nước, mà còn gây ô nhiễm ngay từ khâu sản xuất sợi, như sử dụng thuốc trừ sâu hay các hóa chất khác trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến ô nhiễm đất và nguồn nước tại địa phương đặt nhà máy.

Nhìn ở cấp độ toàn cầu, khi sử dụng sản phẩm dệt may là chúng đang góp phần vào biến đổi khí hậu, đe doạ đa dạng sinh học, gây hậu quả cho tất cả mọi người.

Hiện nay, các quốc gia nhập khẩu thời trang hàng đầu, như  EU, Bắc Mỹ,… đang đưa ra các đòi hỏi khắt khe đối với ngành dệt may nói chung, các sản phẩm thời trang nói riêng; đồng thời cũng đề xuất các hướng dẫn, chọn lựa cho doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu, còn gọi là thời trang bền vững.

Cụ thể, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; kéo dài vòng đời của sản phẩm thời trang bằng cách tạo ra những sản phẩm chất lượng, bền bỉ đi kèm với các hoạt động tái chế, tái sử dụng, thoả mãn tiêu chí “3R” (Reduce – Reuse – Recycle: Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế); tăng tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu. Về điều kiện sản xuất, tạo ra điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời bảo đảm mọi quyền lợi của người lao động. 

Bên cạnh đó, việc giáo dục, tuyên truyền và thúc đẩy người tiêu dùng hướng tới “người tiêu dùng xanh” (green customer) cũng là một mục tiêu quan trọng, từ đó tạo ra một nền kinh tế bền vững, một hệ sinh thái xanh và một cộng đồng thịnh vượng, công bằng trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, thỏa mãn đầy đủ tiêu chí “3E” (Ecology – Economics – Equity social: Hệ sinh thái – Phát triển kinh tế - Công bằng xã hội).

XANH HÓA ĐỂ GIA TĂNG GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hằng năm 12%.

Hiện với hơn 7.000 nhà máy trên toàn quốc, sử dụng khoảng 3 triệu lao động, ngành này không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội của đất nước.

Cùng với dệt may, thời trang "nhanh" bắt đầu nhường sân cho thời trang "xanh". Ảnh internet.
Cùng với dệt may, thời trang "nhanh" bắt đầu nhường sân cho thời trang "xanh". Ảnh internet.

Mặc dù có thế mạnh về xuất khẩu và doanh thu lớn, ngành dệt may Việt Nam đến nay vẫn chủ yếu dừng lại ở nhập khẩu nguyên vật liệu và gia công xuất khẩu, chưa thu hút được đầu tư vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có sự dịch chuyển lớn từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong sang Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng. Vì vậy, nếu nhìn nhận việc dịch chuyển này là nguy cơ cần ngăn chặn hay làm giảm bớt đà dịch chuyển sẽ đồng nghĩa với việc đã để vuột mất những cơ hội nhằm thay đổi ngành dệt may theo hướng xanh, sạch.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết đến nay Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; các cam kết tại COP26… Vì vậy, yêu cầu về chất lượng, đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh và trở thành tiêu chuẩn để lựa chọn nhà cung cấp.

Theo thống kê của Vitas, tính đến nay, ngành dệt may có 70% là doanh nghiệp may, 6% doanh nghiệp sợi, 17% doanh nghiệp dệt, 4% doanh nghiệp về nhuộm và hoàn tất, còn lại 3% là các đơn vị phụ trợ.

Trong số doanh nghiệp may, có đến 85% là may gia công CMT (cắt - may - làm sạch) và 15% là thực hiện FOB (doanh nghiệp chủ động từ nguồn hàng, máy móc, chi phí, nhân công cho tới khi chuyển hàng ra ngoài cảng biển).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết năm 2024 tiếp tục là năm thử thách của ngành dệt may Việt Nam do nền kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn khó khăn, đơn hàng chưa nhiều, chuỗi cung ứng còn nhiều rủi ro do chiến tranh, xung đột, chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, phải coi đây là thời điểm, cơ hội quý giá để doanh nghiệp tái cơ cấu dòng sản phẩm, xanh hóa toàn bộ quy trình sản xuất, gia tăng giá trị cho sản phẩm...

Theo kết quả điều tra về xu hướng người tiêu dùng gần đây của tập đoàn McKinsey (một trong ba công ty tư vấn chiến lược và quản trị toàn cầu lớn nhất thế giới), về dài hạn, có đến 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang.

Như vậy, có thể thấy, chính sức ép từ người tiêu dùng sẽ tạo ra “lực đẩy” để các nhà sản xuất cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng.

Xanh hóa cũng giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia xanh hóa và kinh tế tuần hoàn sẽ được chính phủ hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi,... nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho toàn xã hội. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate