Ngày 24/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí”.
QUAN HỆ ĐỒNG HÀNH, CÙNG PHÁT TRIỂN
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông, báo chí như là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội. Đây chính là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực sẽ khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
“Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VCCI nhận thấy ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng góp phần đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.
Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.
Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.
Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn.
ĐÔI LÚC LỢI ÍCH BÁO CHÍ - DOANH NGHIỆP KHÔNG SONG TRÙNG VÀ XUNG ĐỘT
Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ông Lê Quốc Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại như nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay với sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho việc quảng bá thương hiệu, lan toản thông tin, tuy nhiên, dòng thông tin chủ lưu vẫn là báo chí.
Trong hành trình cùng phục vụ xã hội và người dân, lợi ích của báo chí và doanh nghiệp không song trùng và xung đột, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn chưa quan tâm nhiều đến công tác truyền thông, hình ảnh doanh nghiệp, dẫn đến việc giao dịch giữa doanh nghiệp và báo chí là những thương vụ đơn lẻ, từ đó làm giản tính hấp dẫn và hiệu quả.
Trong khi đó, có một bộ phận báo chí nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực, tạo sức ép với doanh nghiệp, gây áp lực lên các cơ quan quản lý quản lý phải tìm hiểu chi tiết, xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng.
Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt quan hệ với báo chí và có tầm nhìn dài hạn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đầy đủ, thường nhắm đến lợi ích nhóm trước mắt làm mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp có nguy cơ lệch hướng và phức tạp.
Do đó, theo ông Lâm, nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hay là sự phiền phức, thì mối quan hệ này sẽ rất khập khiễng. Cả xã hội, cả thế giới đều cần truyền thông có trách nhiệm, việc này một mình báo chí không thể làm được.
TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ XÁC ĐỊNH LẠI MỐI QUAN HỆ
Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Lâm nhận định, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.
Đồng thời, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.
Cùng với đó, hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ “làm phiền đến nhau” hoặc “bên này nghĩ bên kia quan trọng hơn”.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, báo chí đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có được mối quan hệ hợp tác minh bạch, lành mạnh với các cơ quan báo chí, không bị đặt vào tình thế khó xử vì các yêu cầu tài chính không cần thiết. Việc đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quá trình tác nghiệp sẽ giúp tạo dựng được niềm tin từ phía doanh nghiệp, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả.
Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, phóng viên viết về kinh tế nên có kiến thức chuyên sâu về kinh tế. Bên cạnh việc sử dụng các phóng viên của mình nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện,… Cùng với đó là tính minh bạch, xác thực thông tin về kinh tế trên tờ báo một cách khách quan, bởi chỉ cần một thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn cho doanh nghiệp.
Còn với doanh nghiệp, cần được trang bị kiến thức trong vấn đề tiếp xúc với báo chí, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, hợp tác với báo chí để cung cấp các thông tin chính thống, chính xác.