Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những trụ cột lớn trong chính sách an sinh xã hội của nước ta. Vì thế, mọi thông tin liên quan đến các chính sách này luôn được đông đảo người lao động, từ đang đi làm, hay đã nghỉ hưu đều quan tâm. Nhiều chính sách dù đã ban hành, hay đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung đều có những ảnh hưởng nhất định đến người thụ hưởng.
TĂNG NIỀM TIN CỦA NGƯỜI DÂN VÀO CHÍNH SÁCH
Điển hình như Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, tới nay vẫn còn những điều mới mẻ, bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện. Hay như gần đây nhất là dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã qua nhiều lần lấy ý kiến và đang được Quốc hội thảo luận cũng có nhiều đề xuất mới, tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động.
Với những sự thay đổi đó, nếu doanh nghiệp không được cập nhật kịp thời thì sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách. Còn người lao động, nếu không tìm hiểu rõ về kiến thức pháp luật rất có thể sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi.
Là cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết những năm qua, ngành đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông. Nhờ đó, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đặc biệt, với sự vào cuộc chủ động, tích cực thời gian qua của các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thu hút được sự quan tâm của xã hội. Các tầng lớp nhân dân ngày càng hiểu rõ giá trị, lợi ích của chính sách, từ đó tích cực, chủ động tham gia, tăng niềm tin vào chính sách.
Để có được những kết quả tích cực đó, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, là cầu nối để lan tỏa chính sách đến với nhân dân. “Công tác truyền thông phải luôn đi trước một bước” là quan điểm nhất quán của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ chỉ đạo, điều hành cho đến hành động.
Nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông, Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 96 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thông tin, truyền thông về chính sách pháp luật trong vấn đề này.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ “từ sớm, từ xa”; kết hợp truyền thông trực tiếp và truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông nhóm nhỏ, qua các ứng dụng số..., nhằm mang lại hiệu quả cao để dân biết, dân hiểu, dân tin và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả trong việc thực thi chính sách.
Năm 2023, ngành đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải hơn 32.000 tin, bài, phóng sự; thực hiện khoảng 28.800 hội nghị truyền thông, tập huấn, tư vấn, đối thoại với khoảng 1,58 triệu lượt người tham dự; khoảng 139.000 cuộc truyền thông nhóm nhỏ cho khoảng 1,08 triệu lượt người...
ĐƯA CHÍNH SÁCH ĐẾN GẦN CUỘC SỐNG
Theo các chuyên gia, báo chí đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng đi vào cuộc sống. Báo chí cũng góp phần tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách.
Đặc biệt, đây còn là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của người dân, người lao động, doanh nghiệp về bất cập trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an sinh xã hội. Những năm qua, công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, lan tỏa cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, số người nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng ở nhiều địa phương.
Do đó, các chuyên gia cho rằng để tiếp tục tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, bền vững cho người lao động, việc truyền thông chính sách cần tiếp tục được đổi mới, thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn. Thông qua đó, giúp người dân hiểu đúng về chính sách.
Trên nghị trường Quốc hội, thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, khi đề cập đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, cũng nhấn mạnh rằng cần chú trọng đến các giải pháp truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Qua đó, củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội, cùng với thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách.
Từ góc độ đơn vị thực hiện chính sách, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cho biết khi truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần luôn được người lao động quan tâm.
Tuy nhiên, có thực tế là hiện nay trên một số trang mạng xã hội đang lan truyền những thông tin sai lệch về chính sách bảo hiểm xã hội. “Các vấn đề này làm cho người dân dao động khi tham gia bảo hiểm xã hội”, ông Thọ nhấn mạnh.
Xác định truyền thông đóng vai trò quan trọng để góp phần thay đổi nhận thức của người tham gia, ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí tích cực truyền thông về những lợi ích khi người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm, để tích lũy sau này hưởng chế độ cao hơn; hay tuyên truyền về bất lợi khi nhận bảo hiểm xã hội một lần...
LỰA CHỌN "ĐÚNG VÀ TRÚNG" VẤN ĐỀ TRUYỀN THÔNG
Là người từng có nhiều năm tham gia xây dựng các chính sách an sinh xã hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng cho rằng báo chí truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đóng góp, đánh giá, xây dựng, phổ biến, tuyên truyền chính sách đến cuộc sống, song còn tùy thuộc vào từng khâu của quá trình này mà hiệu quả sẽ khác nhau.
Theo ông Huân, với một chính sách khi cần tổng kết, đánh giá thì truyền thông cần xem xét để tập trung vào tuyên truyền những điểm hợp lý, những điều phù hợp, những điểm cần tiếp tục nghiên cứu. Còn khi chính sách đã đưa ra các vấn đề mới cần nghiên cứu, bàn thảo, lúc này truyền thông cần tập trung vào những nội dung mới này.
“So với chính sách cũ, những vấn đề mới tốt hơn chỗ nào, thách thức ra sao. Mức độ ảnh hưởng của chính sách mới đến các bên liên quan, từ người lao động, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội nói chung”, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng cho rằng cần tập trung phân tích vào những nội dung mới để lựa chọn các phương án tối ưu, hợp lý nhất. Còn khi chính sách đã ban hành, truyền thông cần góp phần nhấn vào những điểm mới, chính sách khó thực hiện hơn, hay những vấn đề dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn.
“Việc làm này sẽ góp phần tuyên truyền, giải thích đến người dân, đưa chính sách mới đi vào cuộc sống, áp dụng được vào từng người lao động cũng như người sử dụng lao động tốt hơn”, chuyên gia gợi mở.
Hơn hết, quá trình này còn giúp phát hiện thêm những vấn đề khi chính sách đưa vào cuộc sống nhưng còn những vướng mắc, khó khăn gì để phản ánh đến các cơ quan Nhà nước, cơ quan có liên quan tổng hợp, sửa đổi, bổ sung cho tốt hơn.
Với từng giai đoạn, báo chí truyền thông cần lựa chọn nội dung phù hợp. Bên cạnh đó, cần đa dạng các hình thức tuyên truyền. Tuy nhiên, cần chú ý nhiều nhất đến bối cảnh của người lao động để có cách tiếp cận gần nhất và thực sự hiệu quả”, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.