Thị trường xe hơi nhập khẩu vẫn chìm trong khó khăn, dù đang loay hoay tìm cách sớm thoát cơn bĩ cực.
Chưa hết gian nan
Một nửa chặng đường của năm 2008 đã trôi qua với những thác ghềnh mà thị trường xe hơi nhập khẩu phải đối mặt.
Hai lần điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc do Bộ Tài chính thực hiện đã cho thấy một sự thật là không có thành công nào toàn những “ngọt ngào”. Đó cũng chính là một bài học trong kinh doanh mà có lẽ không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải tiếp thu.
Năm 2007, thị trường xe hơi nhập khẩu đã bùng nổ mạnh mẽ khi nhu cầu sử dụng xe hơi của doanh nghiệp và người dân tăng lên. Nhu cầu đó càng như được chắp thêm “cánh” khi Bộ Tài chính liên tiếp ba lần tiến hành giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 90% xuống còn 60%.
Giới kinh doanh xe hơi hỉ hả lao vào cuộc đua tranh thị phần và tìm kiếm lợi nhuận. Sự kỳ vọng càng trở nên vững chắc bởi chỗ dựa của việc giảm thuế nhập khẩu (để giảm giá xe) chính là xu hướng chung và cũng là nhu cầu của quá trình đất nước hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Thế nhưng, quãng đường bằng phẳng và thênh thang đó đã kéo dài không được bao lâu trước khi nền kinh tế đất nước rơi vào khó khăn kéo theo nhu cầu hạn chế tiêu dùng ôtô của Chính phủ.
Tháng 3/2008, lần đầu tiên Bộ Tài chính thực hiện yêu cầu giảm tiêu dùng ôtô, giảm nhập siêu và lạm phát bằng việc tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trở lại 70%. Sau đợt điều chỉnh này, giá xe hơi nhập khẩu đã tăng lên tương đương với mức tăng thuế song thị trường cũng chưa vì thế mà ảm đạm.
Phải đến đợt điều chỉnh thứ hai vào tháng 4/2008, thị trường xe ngoại mới thật sự chao đảo khi mức tăng thuế cao hơn với 13%, đưa mức thuế suất vọt lên 83%.
Chính lần điều chỉnh này đã tạo nên một cuộc “thử lửa” thật sự đối với giới kinh doanh ôtô nhập khẩu. Do nhận định sai lầm về bối cảnh thị trường, hàng loạt doanh nghiệp đã nhập khẩu ồ ạt nhằm tránh mức thuế mới. Cuộc “du nhập” xe ngoại thiếu tính toán này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng thừa xe hơi với con số chưa chính thức lên đến hơn 15.000 chiếc và không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Nhiều doanh nhân đã than khổ khi nhìn khối tài sản khổng lồ nằm bất động dãi nắng dầm mưa tại các bãi xe.
Tuy nhiên, điều mà mỗi doanh nghiệp phải thẳng thắn thừa nhận chính là mình đã sai lầm khi đưa ra quyết định đầu tư như vậy. Bởi lẽ, ba lần điều chỉnh thuế nhập khẩu trước đây đã vượt xa so với lộ trình nên khi kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu giảm nhập siêu trở nên bức thiết thì việc điều chỉnh tăng trở lại là không thể tránh khỏi. Chấp nhận khó khăn và tự mình tìm cách vượt qua khó khăn như nhiều nhà nhập khẩu lớn đang làm chính là một hành động chia sẻ cần thiết.
Những khó khăn do hai lần tăng thuế nhập khẩu chưa phải là dấu chấm hết. Nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện thêm một số giải pháp khác.
Cụ thể giữa tháng 5, Bộ Công Thương đã bổ sung mặt hàng ôtô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống vào danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu. Tại cuộc họp giao ban ngày 18/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cũng cho biết trong thời gian tới sẽ sử dụng nhiều biện pháp quyết liệt như tăng thuế, dán tem nhập khẩu bắt buộc nhằm hạn chế nhập khẩu đối với 5 nhóm mặt hàng trong đó có ôtô.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép Bộ Công Thương triển khai biện pháp cấp giấy phép tự động đối với mặt hàng ôtô nhằm hạn chế lượng xe hơi về thị trường. Với giấy phép nhập khẩu tự động, trong trường hợp cần thiết Bộ Công Thương sẽ ngừng cấp phép nếu các biện pháp về thủ tục hành chính, thanh toán để kiểm soát nhập khẩu không có tác dụng.
Thậm chí tại cuộc tọa đàm về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm vừa được tổ chức ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cũng đã hé mở khả năng sẽ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc là linh kiện, phụ tùng cho xe lắp ráp do mức nhập siêu và tỷ lệ lạm phát vẫn còn cao.
Do đó, như một số “đồn đoán” trước đây, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng lên mức 94% không phải không có cơ sở.
Vượt qua thử thách
Tình thế hiện tại đang đặt ra yêu cầu tối thượng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô là làm sao “giải quyết” được lượng xe đang nằm chờ lăn bánh.
Khi đó, lượng vốn lên tới hàng trăm triệu USD “chết” trong hơn 15.000 chiếc xe sẽ được giải quyết đồng thời mỗi doanh nghiệp cũng cắt được lỗ. Vậy phải giải quyết bằng cách nào?
Theo tìm hiểu của VnEconomy, hiện nhiều doanh nghiệp đã và đang liên hệ với đối tác nước ngoài để tái xuất một phần lượng xe đã nhập khẩu. “Chắc chắn mỗi chiếc xe tái xuất chúng tôi sẽ phải chịu phạt vài nghìn USD, song đó vẫn là giải pháp tối ưu nếu không chấp nhận phá sản”, một nhà nhập khẩu lớn tại Tp.HCM khẳng định khi làm thủ tục tái xuất gần 30 chiếc xe.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng thực hiện giải pháp tái xuất bởi điều đó chủ yếu phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải tìm cách khác dễ thực hiện hơn là giảm mạnh giá bán xe.
Thực tế thì thời gian vừa qua, các salon ôtô nhập khẩu cũng đã tiến hành giảm giá bán, song lượng xe bán ra chưa nhiều, có lẽ do vẫn chưa chạm đến ngưỡng giá kỳ vọng của những khách hàng tiềm năng?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate