Thông tin giảm lãi suất lần thứ ba chỉ trong vòng 2 tháng không khiến thị trường bùng nổ, nhưng tín hiệu khá tích cực là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sôi động đáng kể nhờ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Thống kê trong 9 tuần trở lại đây kể từ sau đợt giảm lãi suất đầu tiên ngày 31/3/2023, nhà đầu tư cá nhân mua ròng khớp lệnh khoảng 9.318 tỷ đồng, trong khi khối ngoại bán ròng khớp lệnh 5.879 tỷ đồng và tổ chức trong nước xả ròng 6.889 tỷ đồng…
Các chuyên gia cho rằng sở dĩ có sự trái ngược trong hoạt động giao dịch nói trên là do đặc điểm linh hoạt hơn của nhà đầu tư cá nhân so với tổ chức. Mặt khác các nhà đầu tư cá nhân quan tâm tới hoạt động đầu cơ lướt sóng nhiều hơn, trong khi tổ chức có nhiều mối quan tâm khác thiên về yếu tố cơ bản và cũng “chậm chạp” hơn.
Thực tế cũng cho thấy sau các đợt giảm lãi suất, giá cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ cũng tăng mạnh hơn hẳn so với mặt bằng chung. Đây là hiệu ứng của dòng tiền đầu cơ từ nhà đầu tư cá nhân khi lãi suất giảm khiến kênh tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó các tổ chức, nhất là nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ròng mạnh một phần do lo ngại về mặt bằng tỷ giá sẽ biến động, đồng thời triển vọng kinh tế vĩ mô còn khó đoán, trong khi họ đã mua tích lũy rất nhiều trong giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 khi thị trường tạo đáy.
Việc giảm lãi suất tuy chưa tạo sức bật rõ nét trên thị trường trong ngắn hạn nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng chắc chắc vào tác động trong dài hạn sẽ kích thích tăng trưởng cũng như khuyến khích dòng vốn đầu tư nói chung. Việc giảm lãi suất cũng đang giúp hoạt động margin sôi động hơn.
Cả 2 lần ra thông tin giảm lãi suất trước đó thị trường đều diễn ra nhịp điều chỉnh và xác suất rất cao lần này cũng thế và thị trường khó vượt được ngưỡng 1.080 điểm. Ngoài ra thị trường đã xuất hiện 5 phiên phân phối nên xác suất điều chỉnh là rất cao.
Ông Nguyễn Việt Quang
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường tiếp tục đón nhận thêm lần thứ ba trong vòng 2 tháng thông tin giảm lãi suất, lần này tích cực hơn khi các ngân hàng cũng cam kết giảm cả lãi suất cho vay. Anh chị đánh giá thị trường phản ứng với thông tin như thế nào, liệu đây có thể là động lực để VN-Index vượt ngưỡng 1.080 điểm trong ngắn hạn?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo kinh nghiệm cá nhân, khi xét tới tính thời điểm, thị trường chứng khoán thường phản ứng với cường độ giảm dần sau mỗi lần thông tin có tính lặp lại được công bố, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực.
Trong tuần qua, lần giảm lãi suất điều hành đã lặp lại lần thứ ba, nên tác động tức thời từ thông tin lên thị trường cũng dần bị triệt tiêu so với những lần trước đó. Và thực tế cho thấy, thị trường phản ứng yếu ớt với lần hạ lãi suất điều hành trong tuần qua.
Tuy nhiên, xu hướng của lãi suất thường đi ngược với xu hướng của thị trường chứng khoán, cho nên những “tác động tức thời” từ lần hạ lãi suất vừa qua tới thị trường có thể là mờ nhạt, nhưng mức độ ảnh hưởng trong những khung thời gian dài hơn vẫn rất mạnh mẽ.
Điều này có nghĩa rằng, việc Ngân hàng nhà nước tiếp tục chính sách hạ mặt bằng lãi suất sẽ là động lực chính thúc đẩy VN-Index phục hồi. Ngay cả trong ngắn hạn, khi tính thời điểm qua đi, tôi cho rằng cơ hội để chỉ số này vượt ngưỡng 1.080 điểm vẫn hiện hữu.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Sau khi ra thông tin giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước thì thị trường hầu như không phản ứng tích cực với thông tin này: đầu phiên sáng thị trường xanh nhẹ sau đó bị bán mạnh dần về cuối phiên và thị trường đóng cửa nến đỏ. Cả 2 lần ra thông tin giảm lãi suất trước đó thị trường đều diễn ra nhịp điều chỉnh và xác suất rất cao lần này cũng thế và thị trường khó vượt được ngưỡng 1.080 điểm. Ngoài ra thị trường đã xuất hiện 5 phiên phân phối nên xác suất điều chỉnh là rất cao.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi nhìn chung là thị trường phản ứng tích cực cho dù biến động không lớn. Chỉ cần dòng tiền giữ nhịp luân chuyển ở các cổ phiếu lớn, trong khi tập trung vào các nhóm cổ phiếu triển vọng như xây dựng xây lắp, dầu khí… đã cho thấy việc tích lũy để hồi phục tăng điểm giai đoạn tới hướng lên 1.070 – 1.080 điểm cũng như vượt ngưỡng trong tháng 6 là có thể xảy ra.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Theo quan sát của tôi trong quá khứ thì thị trường chứng khoán Việt Nam thường có phản ứng hết sức tích cực khi lãi suất huy động và cho vay giảm. Mặc dù vậy, tác động của lần hạ lãi suất này được đánh giá sẽ có tác động hạn chế hơn so với những lần hạ lãi suất trước do kỳ vọng về tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết còn kém khả quan.
Bên cạnh đó, việc sớm xoay trục chính sách tiền tệ trong khi các quốc gia phát triển vẫn đang trong quá trình siết chặt khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về rủi ro tỷ giá cũng như dòng vốn ngoại có thể tiếp tục bị rút ròng trong thời gian tới trong thời gian tới.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Số liệu cho thấy từ đầu tháng 4 đến nay khi đợt giảm lãi suất cấp tập diễn ra, nhà đầu tư cá nhân mua ròng rất tích cực, khoảng 9.000 tỷ đồng, nhất là tuần qua xuất hiện những ngày mua ròng cả ngàn tỷ đồng, nhưng các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm cả khối ngoại, lại bán ròng. Dường như kỳ vọng của nhà đầu tư cá nhân tích cực hơn nhiều so với nhà đầu tư tổ chức?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Giai đoạn này tôi theo dõi số liệu cũng thấy hoạt động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân rất tích cực còn các tổ chức thì ngược lại. Nhưng tâm lý của nhà đầu tư cá nhân thay đổi rất nhanh và thường giao dịch thiên nhiều về cảm xúc còn nhà đầu tư tổ chức thì ngược lại mọi hoạt động giao dịch đều được phân tích và lên kế hoạch chi tiết. Nên thị trường giai đoạn này rủi ro sẽ nhiều hơn là cơ hội.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Những cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mang tính đầu cơ cao trong thời gian gần đây đang có những diễn biến tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng trần trong khi thị trường chung chìm trong sắc đỏ. Điều này đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân, tham gia nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh trên thị trường trong bối cảnh lãi suất huy động giảm và khiến cho kênh đầu tư này kém hấp dẫn hơn.
Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn gì để xấu hơn nữa và dần xuất hiện những tín hiệu cải thiện tích cực, Với lợi thế nhanh nhạy và linh hoạt hơn, nhà đầu tư cá nhân sẽ là những người giao dịch tích cực hơn các thành phần còn lại. Thống kê từ tháng 4 tới nay, và đặc biệt trong tuần qua, việc nhà đầu tư cá nhân chủ động mua ròng là bởi họ có lợi thế linh hoạt hơn mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Đúng là có diễn biến trái chiều giữa các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức: Nhà đầu tư cá nhân nhìn nhận ở mặt bằng cổ phiếu, nhìn nhận kênh đầu tư cổ phiếu đang hấp dẫn hơn cả đặc biệt là cả năm 2023, trong khi nhà đầu tư tổ chức với chiến lược đầu tư thay đổi, phân bổ vốn đầu tư giữa các thị trường, lĩnh vực ngành nghề chưa kể áp lực cơ cấu danh mục, hoặc tái phân bổ đầu tư cũng có thể khiến họ bán cổ phiếu. Nếu số đông nhà đầu tư nội đang tự tin giải ngân đầu tư và tích lũy cổ phiếu hơn thì nhà đầu tư tổ chức lại đang chỉ giao dịch với quy mô nhỏ hơn nhiều so với nhà đầu tư cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất là thị trường luôn có nhiều thành phần tham gia giao dịch, cá nhân và tổ chức, hay khối nội và khối ngoại, khi bên này bán ròng thì chắc chắn bên còn lại sẽ mua ròng và ngược lại. Thứ hai, mỗi thành phần tham gia thị trường đều có lợi thế riêng, với việc nhà đầu tư cá nhân thường nhanh nhạy và linh hoạt hơn, trong khi tổ chức và khối ngoại lại có thường nghiên cứu chuyên sâu và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi ra quyết định thay đổi chiến lược giao dịch.
Chúng ta nhìn lại giai đoạn thị trường trước khi hạ lãi suất, hay trước tháng 4. Chúng ta thấy bức tranh vĩ mô rất tiêu cực, thị trường vận động tương đối èo uột với tâm lý thận trọng trước một viễn cảnh không hề tươi sáng.
Tuy nhiên, khi các yếu tố vĩ mô trọng yếu thay đổi kể từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, với quyết tâm của Ngân hàng nhà nước về việc thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, và lãi suất điều hành liên tục được công bố giảm. Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn gì để xấu hơn nữa và dần xuất hiện những tín hiệu cải thiện tích cực.
Trong bối cảnh đó, với lợi thế nhanh nhạy và linh hoạt hơn, nhà đầu tư cá nhân sẽ là những người giao dịch tích cực hơn các thành phần còn lại, trong khi khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức cần thời gian để chuyển mình. Và số liệu thống kê từ tháng 4 tới nay, và đặc biệt trong tuần qua, việc nhà đầu tư cá nhân chủ động mua ròng là bởi họ có lợi thế linh hoạt hơn mà thôi.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Xu hướng rút vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang có tín hiệu tăng lên cùng với xu hướng giảm lãi suất trong nước. Các quỹ ETF có vốn ngoại mà tiêu biểu là Fubon, Diamond, VNFMVN30, VanEck ETF, Xtrackers FTSE… đã dừng hút được vốn mới từ cuối tháng 4 và vài tuần nay cũng đang bị rút ròng. Liệu đây chỉ là sự trùng hợp hay có tác động của chính sách lãi suất?
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Theo số liệu thống kê của chúng tôi, tính theo giá trị giao dịch, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đã quay trở lại vị thế bán ròng sau khi tích cực “bắt đáy” trong nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường cuối năm 2022. Bên cạnh hoạt động chốt lời với các vị thế đã mở từ lần giải ngân trước, tôi đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang thể hiện sự cẩn trọng trước rủi ro về tỷ giá đang có phần gia tăng, sau những diễn biến của chính sách tiền tệ trong và ngoài nước.
Việc sớm xoay trục chính sách tiền tệ trong khi các quốc gia phát triển vẫn đang trong quá trình siết chặt khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về rủi ro tỷ giá cũng như dòng vốn ngoại có thể tiếp tục bị rút ròng trong thời gian tới trong thời gian tới.
Ông Thái Hữu Công
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi có thể nhiều lý do dẫn đến việc các quỹ ETFs có vốn ngoại rút ròng. Nếu lạm phát hạ nhiệt và lãi suất tạo đỉnh rồi hạ dần vào cuối năm, dự báo tỷ giá có thể điều chỉnh giảm từ 0,7 – 0,8% đến cuối năm, dẫn đến khả năng quỹ sẽ thay đổi chiến lược và cách phân bổ đầu tư, tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ cũng thay đổi giữa các thị trường mới nổi và thị trường phát triển chứ không chỉ riêng tác động của chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi cho rằng việc rút hay hút ròng chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF ngoại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố chính vẫn là diễn biến của thị trường nơi chứng chỉ quỹ phát hành và sự kỳ vọng của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhưng trong bối cảnh bên ngoài chưa thuận lợi, với lo ngại về việc Mỹ vỡ nợ cũng như kinh tế thế giới thế giới suy thoái do nhiều nước lớn vẫn neo mặt bằng lãi suất ở mức cao, thì việc thu hút dòng vốn mới từ các đợt phát hành chứng chỉ quỹ sẽ gặp khó khăn.
Đồng thời, dựa trên đánh giá cá nhân, tôi nhận thấy Ngân hàng nhà nước đang có nhiều dư địa để ổn định tỷ giá sau khi hạ mặt bằng lãi suất điều hành. Do đó, tôi cho rằng, việc các quỹ ETF bị rút ròng chỉ đơn thuần chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, chứ không phải xuất từ tác động của chính sách lãi suất.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Khi Ngân hàng nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành 3 lần trong thời gian ngắn điều này rất dễ ảnh hưởng đến tỷ giá, đồng VNĐ dễ bị mất giá so với ngoại tệ. Không những thế dòng tiền thường có xu hướng chảy từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao. Từ những yếu tố trên tôi thấy việc khối ngoại rút ròng vốn có chịu tác động của chính sách lãi suất.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Hiện nhiều công ty chứng khoán bắt đầu giảm lãi suất cho vay margin. Anh chị thấy nhu cầu sử dụng margin đã tăng lên hay chưa?
Chỉ cần dòng tiền giữ nhịp luân chuyển ở các cổ phiếu lớn, trong khi tập trung vào các nhóm cổ phiếu triển vọng như xây dựng xây lắp, dầu khí… đã cho thấy việc tích lũy để hồi phục tăng điểm giai đoạn tới hướng lên 1.070 – 1.080 điểm cũng như vượt ngưỡng trong tháng 6 là có thể xảy ra.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Đúng như vậy, nhiều công ty chứng khoán đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay Margin, đây là tín hiệu tốt với thị trường.
Tuy nhiên, theo tôi nhu cầu về margin thường phụ thuộc nhiều vào đánh giá của nhà đầu tư về thị trường liệu có cơ hội hay không và ít chịu tác động hơn từ mức lãi suất margin.
Hiện tại, tôi nhận thấy nhu cầu margin đang ấm dần lên nhờ sự kỳ vọng thị trường chứng khoán đang có những tín hiệu cải thiện tích cực về mặt cơ hội trung và dài hạn.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi thấy nhu cầu sử dụng margin hiện tại vẫn chưa cao cũng như chưa có dấu hiệu tăng lên, việc nhà đầu tư sử dụng nhiều hay ít margin phụ thuộc lớn vào cơ hội đầu tư từ thị trường cũng như dòng tiền tham gia vào thị trường mạnh hay yếu.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Nhu cầu khách hàng sử dụng đòn bẩy là luôn cao một khi họ nhìn nhận có cơ hội đầu tư. Tôi đánh giá việc sử dụng margin của nhà đầu tư đang có xu hướng tăng lên.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Theo quan sát của tôi, nhu cầu sử dụng margin trong một vài tuần trở lại đây có diễn biến khởi sắc hơn, đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức.