Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 5/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 870 triệu USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.
HOA KỲ VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH CỦA THỦY SẢN VIỆT NAM
Dù chưa có bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương trong tháng 5/2024 với mức tăng 5-26%. Riêng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính trong 5 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13% đạt 635 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3 – 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về từng sản phẩm thủy sản, trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra tăng 10%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 755 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5/2024, xuất khẩu tôm giảm 1,5% đạt 326 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 7% đạt 1,3 tỷ USD.
"Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ".
Trong khi đó, xuất khẩu cá biển trong 5 tháng đầu năm giảm 3% đạt 742 triệu USD, mực bạch tuộc đạt 236 triệu USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nét sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu thủy sản là xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5/2024 tăng gần 92% so với cùng kỳ năm trước, đem về trên 26 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu năm, hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua ghẹ từ Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất cua sống của Việt Nam, có mức tăng nhập khẩu gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các thành phẩm cua tuyết: thịt cua tuyết, cua tuyết tách vỏ, càng cua tuyết và một phần nhỏ là cua đồng xay…
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ CHẾ BIẾN VÀ ĐÓNG HỘP TĂNG MẠNH
Theo VASEP, trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ tăng 36% đạt trên 95 triệu USD, trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 18%, cá ngừ đóng túi tăng đột phá gấp hơn 3,5 lần, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 25% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gấp hơn 7 lần so với tháng 5/2023.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 5 năm qua, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này đã tăng từ 91 triệu USD năm 2020 lên 154 triệu USD năm 2024, tăng 70%. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang dần phục hồi, cao hơn cả so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid.
Trái lại, xuất khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh, trong đó chủ yếu là thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304, không ổn định. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2022, xuất khẩu nhóm sản phẩm này giảm mạnh. Bước sang năm 2024, xuất khẩu nhóm sản phẩm đã tăng trở lại, tuy nhiên mức tăng không cao – tăng 6% so với cùng kỳ.
Theo dự báo của các chuyên gia, sự tiện lợi là yếu tố then chốt đối với người mua hàng và hải sản có giá trị gia tăng được ướp trước hoặc chế biến sẵn để hâm nóng và ăn sẽ tiếp tục thu hút người mua muốn tạo ra các bữa ăn kết hợp để kết hợp nấu ăn với các món đã chuẩn bị sẵn. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nga, Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp trong tháng 4/2024 lần lượt là 37%, 71%, 32% và 158% so với tháng 4/2023. Trong đó đáng chú ý tại khối thị trường EU, xuất khẩu sang 3 thị trường dẫn đầu là Italy, Đức và Hà Lan đều tăng trưởng “phi mã” ở mức 3 con số.
NGUY CƠ BỊ THÁI LAN CHIẾM THỊ PHẦN TẠI EU
Bà Nguyễn Hà, Chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, cho biết hiện tại, ngành cá ngừ vẫn bị kìm hãm bởi nút thắt thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải tăng nguồn cung từ nhập khẩu.
Trong khi đó, các quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam về việc “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi này tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP đang khiến cho nút thắt này thêm tắc nghẽn.
Trong khi đó, liên minh châu Âu (EU) và Thái Lan đã bước sang vòng đàm phán tiếp theo và có thể tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do (ETFTA). Việc này dự kiến sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại khối thị trường EU.
"Năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường EU vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt gần 67 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023".
Bà Nguyễn Hà, Chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP.
Theo bà Nguyễn Hà, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tăng trưởng liên tục: từ 136 triệu USD năm 2020 lên 176 triệu USD năm 2023, tăng 30%.
Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 7 cho thị trường EU sau Ecuador, Seychelles, Papua New Guinea, Mauritius, Philippines và Trung Quốc. Trong khi Thái Lan chỉ đứng thứ 17 trong nguồn cung xuất khẩu cá ngừ vào EU.
Từ khi không còn được hưởng ưu đãi từ Hệ thống thuế quan phổ cập (GSP) vào năm 2015, xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan sang EU sụt giảm liên tục: từ mức 155 triệu USD năm 2015 xuống còn 41 triệu USD vào năm 2023, giảm 74%.
“Tính đến thời điểm này, cá ngừ Thái Lan xuất khẩu sang EU đang chịu thuế 24% (mức thuế cao nhất so với thế giới), sau sự việc Thái Lan bị mất quyền lợi thuế từ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của EU vào năm 2015. Nếu FTA giữa EU và Thái Lan được ký kết, EU có khả năng sẽ tiếp cận thị trường thủy sản Thái Lan với mức thuế 0%, bao gồm cá ngừ”, bà Nguyễn Hà thông tin.
Theo bà Nguyễn Hà, so với Việt Nam, năng lực sản xuất cá ngừ của Thái Lan cao hơn nhiều, nước này có khả năng cung cấp 600.000 tấn cá ngừ đóng hộp mỗi năm. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, Thái Lan không có đội tàu đánh bắt. Do đó, nước này chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập khẩu chứ không phải từ đánh bắt.
Nếu so sánh về nguồn nguyên liệu có nguồn gốc thuần túy (cá ngừ do đội tàu quốc gia đánh bắt được), Việt Nam đang có lợi thế hơn Việt Nam. Tuy nhiên, với quy mô đội tàu nhỏ nên nguồn cung nguyên liệu trong nước của Việt Nam đang không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất xuất khẩu.
“Bên cạnh đó, trong khi Thái Lan đã được gỡ thẻ vàng, Việt Nam vẫn chưa làm được điều này. Do đó, nếu ETFTA có hiệu lực, mặc dù chưa biết rõ điều khoản thỏa thuận ra sao nhưng chắc chắn xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan sang EU sẽ thuận lợi hơn. Và điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh của cá ngừ Việt Nam tại thị trường EU”, bà Nguyễn Hà nhận định.