April 05, 2023 | 07:50 GMT+7

Chuẩn hóa quản lý khai thác, xuất khẩu cá ngừ

Chương Phượng -

Để quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm và hội nhập nghề cá khu vực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan về dự thảo “Kế hoạch quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam đến năm 2030”…

Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã vượt 1 tỷ USD trong năm 2022
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã vượt 1 tỷ USD trong năm 2022

Theo số liệu điều tra nguồn lợi cá nổi lớn vùng biển Việt Nam do Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện, trữ lượng cá ngừ trên các vùng biển của Việt Nam ước đạt hơn 600 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam và trung tâm Biển Đông, trong đó cá ngừ vằn là loài khai thác chính, chiếm hơn 50% tổng nguồn lợi cá nổi.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU ĐÃ VƯỢT 1 TỶ USD

Tại Việt Nam, sản lượng cá ngừ khai thác hàng năm (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và các loại khác) đạt hơn 200 nghìn tấn. Trong đó riêng các chủng loại cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45 nghìn tấn, với sản lượng khai thác hàng năm từ 17.000 đến 21.000 tấn.

Trong những năm gần đây, cá ngừ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản và là nhóm mặt hàng có giá trị lớn thứ ba trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Chuẩn hóa quản lý khai thác, xuất khẩu cá ngừ  - Ảnh 1

Các sản phẩm cá ngừ của nước ta đã xuất được sang hơn 100 thị trường trên thế giới; trong đó Hoa Kỳ, EU, Trung Đông và các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng từ 82-86% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm 2022 đã thiết lập mức cao kỷ lục, đạt 1,02 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021 và tăng 57,2% so với năm 2020. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm: cá ngừ phi lê, cá ngừ chế biến, cá ngừ đóng hộp, cá ngừ tươi, cá ngừ đông lạnh, cá ngừ khô.

GẶP KHÓ NGAY TỪ ĐẦU NĂM 2023

Hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của nước ta đã suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ dù là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, nhưng đã giảm tới 63%; EU cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh với 42%, sự sụt giảm này đã khiến EU tụt xuống vị trí thứ 3 trong số các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.

Ngành hàng cá ngừ không chỉ gặp khó ở thị trường xuất khẩu, mà các doanh nghiệp cũng đang gặp khó về các giấy tờ khi thu mua, chế biến, xuất khẩu. Cụ thể, ngày 15/3/2023, VASEP đã có Công văn 22/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản nêu một số vướng mắc, bất cập trong công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu hải sản sang EU.

Công văn nêu rõ, rất nhiều doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng (yellowfin) nhưng không xin được giấy S/C. Lý do theo giải thích của các Ban quản lý Cảng cá, cá size (cỡ) nhỏ mới đúng là cá ngừ vây vàng, còn cá có size lớn không phải là cá ngừ vây vàng nên cảng cá không cấp S/C. Tuy nhiên, VASEP cũng không tìm thấy có quy định cụ thể nào quy định việc phân biệt hay phân loại cá ngừ vây vàng theo size cỡ như vậy.

Hơn nữa, với lý do triển khai quyết liệt chống IUU (đánh bắt bất hợp pháp) để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, nên một số Ban quản lý Cảng cá không cấp giấy S/C theo số lượng thực tế mà doanh nghiệp đã thu mua, mà chỉ cấp theo số lượng ít hơn. Thậm chí, hiện một số cảng cá ngưng cấp giấy S/C cho các lô nguyên liệu của tàu khai thác dài ngày (trên 1 tháng).

Ngoài ra, VASEP cũng cho biết một số doanh nghiệp đang gặp vướng mắc khi không xin được giấy H/C đối với các lô hàng có nguyên liệu từ tàu khai thác dài ngày. Theo Văn bản số 67/TTCL4-CL của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 (NAFIQAD 4) gửi Tổng cục Thủy sản, thì NAFIQAD 4 nghi ngại rằng thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu khi cập cảng của tàu cá kéo dài (từ 3 đến 5 tháng) sẽ không đảm bảo an toàn thực phẩm; thời gian trên giấy S/C và trên nhật ký khai thác có sự sai lệch nhau.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuẩn hóa quản lý khai thác, xuất khẩu cá ngừ  - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate