Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 644 nghìn tấn nhân điều, thu về 3,6 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022.
MỸ LÀ THỊ TRƯỜNG SỐ 1 CỦA ĐIỀU XUẤT KHẨU TỪ VIỆT NAM
Trước đó, đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao ngành điều chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tuy nhiên trước diễn biến khó khăn của thị trường nửa đầu năm 2023, ngành điều đã đề nghị hạ mục tiêu xuống còn 3,05 tỷ USD.
Năm 2023, xuất khẩu điều sang một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan ghi nhận tăng trưởng cao. Trong đó, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đạt 885 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Theo ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), sản phẩm điều Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Mỹ đã nhiều năm nay, nhu cầu của thị trường này khá ổn định. Đặc biệt, từ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Vinacas tin tưởng rằng là doanh nghiệp chế biến hạt điều có thể tiếp cận những công nghệ, dây chuyền hiện đại của Mỹ, phục vụ cho định hướng mới của ngành, đó là tập trung vào chế biến, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Năm 2023, xuất khẩu điều sang Trung Quốc cũng ghi nhận tăng trưởng đột phá sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu điều từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 683 triệu USD, tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước.
"Trong tháng 12/2023, giá điều xuất khẩu của Việt Nam ở mức 5.497 USD/tấn, giảm 4% so với tháng 12/2022 và giảm 11% so với tháng 12/2021. Bình quân giá điều xuất khẩu năm 2023 đạt 5.677 USD/tấn, giảm 5% so với năm 2022 và giảm 10% so với năm 2021".
Tổng cục Hải quan.
Xuất khẩu điều sang Hà Lan – cửa ngõ của thị trường EU trong năm 2023 đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều. Các thị trường tiềm năng khác như Đức, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… cũng ghi nhận kết quả khả quan trong năm 2023.
Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các chủng loại hạt điều như W320, W240, W180, chiếm tỷ trọng 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều này đã có tác động tích cực đến ngành công nghiệp hạt điều toàn diện.
Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) nhận xét: Xuất khẩu nhân điều của Việt Nam những tháng cuối năm 2023 tăng trưởng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ, EU gia tăng để phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm và đầu năm mới. Tuy nhiên xuất khẩu nhân điều cả năm vẫn không thể lấy lại mốc kỷ lục vào năm 2021 (3,63 tỷ USD). Năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về giá trị, đạt 519.782 tấn và 3,08 tỷ USD.
DỰ BÁO XUẤT KHẨU ĐIỀU SẼ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG CAO TRONG NĂM 2024
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đánh giá rằng ngành điều Việt Nam đã có những bước tiến dài sau hơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ việc học hỏi và sử dụng thiết bị công nghệ chế biến điều từ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành quốc gia làm chủ công nghệ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.
“Tuy kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao và xung đột quốc gia tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành điều toàn cầu, Việt Nam vẫn kỳ vọng vào những chuyển động tích cực trong năm 2024 và xuất khẩu điều sẽ tiếp tục giữ được tăng trưởng cao để hướng tới mốc kỷ lục mới là 3,8 tỷ USD”, ông Nhựt chia sẻ.
"Đến nay, Việt Nam vẫn duy trì vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều chế biến trong 17 năm liên tiếp, hiện chiếm tới 80% tổng sản lượng thương mại nhân điều chế biến toàn cầu".
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, chất lượng nguyên liệu đã trở thành vấn đề lớn của ngành chế biến hạt điều Việt Nam, khi một số khách hàng lớn ở Mỹ và EU đã gửi văn bản cảnh báo về chất lượng sản phẩm đến Hiệp hội. Đặc biệt, những chỉ tiêu về cảnh báo nhiều là về sâu mọt sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ.
“Hiện nay, hạt điều Việt Nam đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về điều thô nguyên liệu như Bờ Biển Ngà và các nước châu Phi. Hơn nữa, các nước này đang tập trung đầu tư phát triển mạnh về công nghệ chế biến. Do đó ngành điều Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh”, ông Bạch Khánh Nhựt khuyến nghị.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành điều Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là nguồn nguyên liệu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến điều vẫn chưa thể chủ động được nguồn nguyên liệu.
Ước tính cho thấy nguồn cung hạt điều thô trên cả nước chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến, trong khi khoảng 70% nguyên liệu hạt điều thô phải phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ các quốc gia khác. Điều này cũng gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng hạt điều nguyên liệu phục vụ chế biến.
Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất – chế biến – kinh doanh hiện chưa đạt được các điều kiện khắt khe về chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, nhiều cơ sở chế biến điều vẫn hoạt động quy mô siêu nhỏ và có hạn chế về tài chính.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành điều, Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp ngành điều cần đầu tư vào việc phát triển vùng nguồn nguyên liệu. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hỗ trợ và ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và giảm sự phụ thuộc vào nguồn hạt điều nhập khẩu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường liên kết và kết nối nguồn lực, nhằm chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ.