“Hiện tồn kho gạo của 3 nước xuất khẩu gạo lớn: Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam đã cạn trong khi nhu cầu mua gạo của các nước là rất lớn. Do vậy, các nước xuất khẩu gạo cần công bố thông tin về sản xuất để các nước nhập khẩu biết mà có cách tính toán và có giải pháp can thiệp kịp thời, nếu không khủng hoảng gạo như năm 2008 có thể xảy ra vào năm 2018...”.
Đó là nhận định của
các chuyên gia hàng đầu về lúa gạo của Thái Lan và Việt Nam trước “Hội nghị Gạo
Thái Lan” diễn ra vào ngày 29/5/2017, do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức.
Nguồn cung gặp khó
Vì tính nghiêm trọng diễn biến của thị trường gạo sắp tới
nên có rất nhiều lãnh đạo bộ thương mại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc,
Bangladesh và các nước Trung Đông... tham dự. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ
Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn trực tiếp đến tham dự hội nghị này.
“Tại hội nghị, Thái Lan sẽ công bố về tình hình sản xuất và
tồn kho gạo đến thời điểm hiện tại để khách hàng biết mà tính toán. Nhằm thể
hiện tinh thần trách nhiệm của Thái Lan đối với các nước nhập khẩu gạo”, Bộ
trưởng Thương mại Thái Lan cho biết.
Được biết, 1,8 triệu tấn gạo cũ tồn kho của Thái Lan còn sử
dụng được đã bán hết, tồn kho gạo mới không nhiều, vụ mùa mới đến tận tháng 9
năm nay và sản lượng cũng chỉ khoảng 3 triệu tấn, còn vụ lúa chính phải tháng
11 mới bắt đầu. Như vậy, từ nay đến cuối năm nguồn cung gạo của Thái Lan không
còn, nên họ không có khả năng bán ra.
Đối với Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, đến tháng 8/2017 mới thu hoạch vụ hè-thu nhưng sản lượng không lớn. Trong
khi tồn kho của các doanh nghiệp không nhiều và lượng gạo này đã bán hết cho
các thương nhân Trung Quốc, tuy chưa nhận hàng.
Còn đối với Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới đang lo
cung ứng cho thị trường châu Phi, vì Thái Lan không còn bán gạo vào thị trường
này. Là đất nước đông dân nên Ấn Độ không cam kết trách nhiệm gạo với thế giới,
khi thấy tình hình căng thẳng nước này có thể sẽ ngừng xuất khẩu gạo như 2008 đã từng
làm.
Nhu cầu nhập khẩu gạo lớn
Trong khi đó, thị trường xuất hiện những nhu cầu rất rõ ràng. Nhất là từ Philippines, từ nay đến cuối năm và gối đầu sang quý 1/2018, Philippines cần tối thiểu là 1,5 -1,6 triệu tấn, vì tồn kho gạo của nước này chỉ đủ cho nhu cầu vài ngày.
Bên cạnh đó, Bangladesh đã khởi động nhập khẩu gạo, ngay
sau khi gia hạn biên bản ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam đến 2020, họ đã đặt vấn
đề từ nay đến cuối năm mua 500 ngàn tấn gạo của Việt Nam.
Trước mắt, Bangladesh yêu cầu mua 200 nghìn tấn gạo, trong đó, có 25 nghìn tấn gạo đồ và giao trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, các nhà máy gạo đồ trong nước đã ngưng hoạt động, chỉ còn nhà máy gạo đồ của Công ty Thịnh Phú, nhưng không có khả năng chế biến 25 ngàn tấn gạo đồ trong vòng 40 ngày.
Bộ
trưởng Bộ Lương thực Bangladesh cũng đặt vấn đề mua 500 ngàn tấn gạo trắng và
gạo đồ của Thái Lan, nhưng nhiều khả năng Thái Lan cũng không có đủ, nhất là nước này không có lúa để làm gạo đồ.
“Đặc biệt, nhu cầu gạo đồ từ Bangladesh là rất lớn, nhưng
Thái Lan và cả Việt Nam cũng không có lúa để làm gạo đồ”, ông Trương Thanh
Phong chuyên gia về xuất khẩu gạo cho biết.
Indonesia cũng đang chuẩn bị nhập khẩu gạo trở
lại, tuy nhiên, chưa cho biết số lượng cụ thể. Còn Malaysia cũng đã quay lại
mua gạo của Việt Nam, vừa qua họ đã mua 40 ngàn tấn gạo và đang mua thêm 80
ngàn tấn nữa.
Từ những nhu cầu trên, các chuyên gia Việt Nam và Thái Lan
dự báo, có thể xảy ra sốt giá gạo như năm 2008. Do vậy, các nước xuất khẩu gạo
lớn cần công bố sớm tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập
khẩu, nếu không sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nông dân và cả những
nước nhập khẩu gạo.
Năm 2008, khi xảy ra sốt gạo, các nước nhập khẩu đã than phiền các nước xuất khẩu gạo đã không công bố tình hình sản xuất và gây khó cho họ. Do vậy, với tinh thần trách nhiệm trước vấn đề lương thực của thế giới, Việt Nam cần sớm cho các nước nhập khẩu biết tình hình gạo trong thời gian tới để các nước nhập khẩu có bước chuẩn bị.
Hiện nay, gạo 5% tấm của Việt Nam đang chào giá 375 USD/tấn,
nhưng có thể lên mức 400 USD/tấn, vì gạo 5% tấn của Thái Lan đã tăng lên 425
USD/tấn. Vừa qua, những doanh nghiệp Việt Nam đã ký bán giá thấp nên đã lỗ
nặng. Vì vậy, Việt Nam cần xác định giá cả phù hợp để có lợi cho cả doanh
nghiệp và người trồng lúa.
Quay lại nguyên nhân gây ra sốt giá gạo 2008 là do Thái Lan
không đủ gạo cung cấp, sau đó Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu rồi đến Việt Nam
cũng tuyên bố ngưng xuất khẩu gạo, đã tạo áp lực lên thị trường. Lúc đó các
nước nhập khẩu và các nhà nhập khẩu gạo thế giới cho rằng, “các nước xuất khẩu
như Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan đã gây áp lực lên họ”.