Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 2/2024 đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 16,5% so với tháng 1/2024.
Tính chung hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với hai tháng đầu năm 2023.
TẤT CẢ CÁC MẶT HÀNG ĐỀU "SÁNG"
Đóng góp vào kết quả chung, nhóm hàng nông sản đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; nhóm lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; nhóm thủy sản đạt 1,37 triệu USD, tăng 28,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 78 triệu USD, tăng 15,1%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 309 triệu USD, tăng 13,6%.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm 2024 tới các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực châu Á đạt 4,55 tỷ USD, tăng 43%; châu Mỹ đạt 2,31 tỷ USD, tăng 74,2%; châu Âu đạt 1,28 tỷ USD, tăng 52,6%; châu Đại Dương đạt 135 triệu USD, tăng 48,8%; châu Phi đạt 129 triệu USD, tăng 60,4%.
"Điều đáng mừng hơn là trong hai tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giá xuất khẩu nhiều loại nông sản đồng loạt tăng cao. Cụ thể: giá gạo đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê đạt 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%..."
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong hai tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhờ tăng trưởng tới 77,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 21,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tiếp đến là Trung Quốc, tăng 47,9% và chiếm tỷ trọng 21%; Nhật Bản tăng 29,2%, chiếm tỷ trọng 7,2%.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ghi nhận: những mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực đã đạt được tăng trưởng xuất khẩu “ngoạn mục” trong năm 2023, trong hai tháng đầu năm 2024 vẫn tiếp tục tăng cao. Điển hình như xuất khẩu gạo: nếu như năm 2023 tăng 35,3% về giá trị so với năm 2022, thì chỉ trong hai tháng đầu năm 2024 đã tăng tới tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2023 đạt 575 USD/tấn, thì trong hai tháng đầu năm nay đã thiết lập mức kỷ lục mới cho giá xuất khẩu gạo bình quân, lên tới gần 700 USD/tấn.
Đối với mặt hàng rau quả, năm 2023 ghi dấu ấn kỷ lục khi đạt kim ngạch xuất khẩu 5,6 tỷ USD, tăng 65,6% so với năm 2022. Sang hai tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 970 triệu USD, giá trị xuất khẩu rau quả tăng 72,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hạt điều cũng không “kém cạnh” khi đạt kim ngạch 595 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 68,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với mặt hàng cà phê, xuất khẩu lập mốc kim ngạch kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD trong năm 2023, tăng 4,6% so với năm 2022. Nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt giá trị 1,38 tỷ USD, tăng mạnh tới 85% so với cùng kỳ năm 2023, đây thực sự là một con số “không tưởng”. Đáng chú ý, nếu như giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022 (đây là mức giá xuất khẩu kỷ lục cho giai đoạn 2023 trở về trước), thì trong hai tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân là 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao mà nông dân và doanh nghiệp ngành hàng cà phê trong nước chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Trong năm 2023 đã chứng kiến sự suy giảm mạnh của hai ngành hàng thủy sản và sản phẩm gỗ, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 18%; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 16,2% so với năm 2023. Thế nhưng, sang đến hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của ngành hàng gỗ đã “sáng cửa” trở lại khi đạt được mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, kim ngạch nhóm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ngành hàng thủy sản dường như vẫn chưa tìm được sự hồi phục, chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 620 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngành này cũng đang có những diễn biến trái chiều giữa các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Trong khi xuất khẩu tôm đạt 403 triệu USD, tăng 20,5%, thì sản phẩm cá tra chỉ đạt 224 triệu USD, giảm 0,7%.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: tăng trưởng cao là kết quả của cả quá trình tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, chuyển dần sản xuất gắn với thị trường. Năm 2023 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của nước ta khi tăng trưởng 18% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ do giảm 17,9%, đã bị đẩy xuống vị trí thứ hai và chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
TIẾP TỤC CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU
Tuy nhiên, hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đã giành lại vị trí số một nhờ tăng trưởng tới 77,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 21,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đứng thứ hai, tăng trưởng 47,9%, với tỷ trọng chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Điều này cho thấy chất lượng nông sản Việt Nam đã được nâng cao, bởi đây là những thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khắt khe...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2024 phát hành ngày 11/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam