Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tháng 3/3023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,66 tỷ USD, tăng 27,0% so với tháng 2/2023; nhưng giảm 6,5% so với tháng 3/2022.
Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD (tăng 16,3% so với tháng 3/2022); lâm sản đạt 1,29 tỷ USD (giảm 22,5%); thủy sản đạt 720 triệu USD (giảm 29%) và chăn nuôi đạt 47,4 triệu USD (tăng 44,8%); nhóm đầu vào sản xuất đạt 182 triệu USD (giảm 3,9%) và muối đạt 0,4 triệu USD (giảm 29,2%).
NHIỀU MẶT HÀNG XUẤT KHẨU CHÍNH SUY GIẢM
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8%; nhóm lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%; chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%; đầu vào sản xuất đạt 458 triệu USD, giảm 26,8% và muối đạt 0,9 triệu USD, giảm 31,3%.
Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm 37 triệu USD (tăng 80,1%),...
Những mặt hàng giảm gồm: Cà phê đạt 1,27 triệu USD (giảm 2,3%), cao su đạt 552 triệu USD (giảm 22,9%), chè đạt 35 triệu USD (giảm 22,9%), hạt tiêu đạt 239 triệu USD (giảm 3,8%), cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%), tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%), gỗ và SP gỗ đạt 2,88 tỷ USD (giảm 28,3%), SP mây, tre, cói thảm đạt 172 triệu USD (giảm 34,9%);
"Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông lâm thủy sản quý 1/2023 ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%; lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về thị trường xuất khẩu 3 tháng, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 48,8% thị phần; châu Mỹ chiếm 20,3%; thị trường châu Âu chiếm 12,8%; châu Đại Dương chiếm 1,4% và châu Phi chiếm 1,2%. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, cho biết trong quý đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm, dẫn đến thặng dư thương mại của ngành nông lâm ngư nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.
Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường. Trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023.
Tại thị trường trong nước, giá cả một số mặt hàng giảm nhẹ như: lúa, cà phê, chè, hạt tiêu, trái cây, lợn hơi, gà.. do sang tháng 3, nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm thấp hơn so với tháng trước (trong dịp Tết nguyên đán).
"Giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản biến động tăng nhanh, ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động làm giảm lợi nhuận cua nông dân và doanh nghiệp ngành nông nghiệp" ông Toản nhận định.
GẠO, RAU QUẢ, SỮA, THỊT... "SÁNG GIÁ"
Trong bức tranh ảm đạm về xuất khẩu nông lâm thủy sản của quý 1, vẫn có một số ngành hàng “sáng giá”. Điển hình như: xuất khẩu gạo, rau quả, hạt điều, sữa và sản phẩm sữa, thịt và phụ phẩm thịt.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 3/2023 ước đạt 47,4 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2023 đạt 114,9 triệu USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD, tăng 22,2%; thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ đạt 37 triệu USD, tăng 80,1%.
Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc dự báo, nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc - quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa sẽ tăng khoảng 45% tính đến năm 2025. Nhu cầu về lượng sữa rất lớn của Trung Quốc mang đến cơ hội xuất khẩu rất tốt cho các doanh nghiệp sữa Việt Nam.
Đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho phép 5 công ty/nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu các sản phẩm sữa vào thị trường Trung Quốc, gồm TH True Milk; Hanoimilk; Công ty Bel Việt Nam; Nhà máy Sữa Thống Nhất và Nhà máy Sữa Sài Gòn của Vinamilk.
Xuất khẩu gạo trong tháng 3/2023 ước đạt 900 nghìn tấn, giá trị đạt 480 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
"Xuất khẩu gạo tăng mạnh là nhờ Indonesia tăng mạnh nhập khẩu gạo. Chính phủ nước này vừa công bố quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như mọi năm nhằm đảm bảo an ninh lương thực".
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm với 43,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt hơn 603 nghìn tấn và 412 triệu USD.
Trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia tới tăng 304,6%, đây là thị trường đạt mức tăng trưởng cao nhất. Indonesia trở thành thị trường lớn thứ 3 của gạo Việt xuất khẩu, sau Philippines và Trung Quốc.
Các ngành hàng rau quả, hạt điều cũng đạt được tăng trưởng xuất khẩu cao: rau quả tăng trưởng 10,6% với kim ngạch 935 triệu USD trong 3 tháng; hạt điều tăng trưởng 14,2% với kim ngạch xuất khẩu 708 triệu USD trong quý 1.
Đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, chuẩn bị tổ chức Hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam –Trung Quốc (Quý 2-3/2023); tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt nam tại Vương quốc Anh; chuỗi sự kiện Thực phẩm & Đồ uống quốc tế tại Anh nằm trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Anh (Quý 2/2023).
"Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam. Cùng với đó, sẽ triển khai dự án Điều tra thực trạng chế biến nông sản gắn với sản xuất nguyên liệu và nhu cầu thị trường", ông Toản thông tin.