August 12, 2024 | 08:50 GMT+7

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh, trái dừa tươi được kỳ vọng sẽ đột phá

Chương Phượng -

Trong 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng 23,4%; ngược lại nhập khẩu trái cây đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 12,7%. Như vậy, với kết quả này, sau 7 tháng ngành rau quả Việt Nam xuất siêu khoảng 2,6 tỷ USD...

Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí sớm hoàn tất cả thủ tục để ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch quả dừa tươi trong thời gian tới, sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí sớm hoàn tất cả thủ tục để ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch quả dừa tươi trong thời gian tới, sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu thị trường tăng mạnh đã giúp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đem về 477 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 NHẬP KHẨU TRÁI CÂY TĂNG MẠNH

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu tăng mạnh cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu".

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, nhập khẩu trái cây cũng tăng mạnh. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 7/2024 Việt Nam chi khoảng 200 triệu USD để nhập khẩu trái cây. Luỹ kế 7 tháng của năm 2024, nước ta đã chi trên 1,2 tỷ USD (hơn 30.000 tỷ đồng) để nhập trái cây, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

"Trong 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam nhập khẩu trái cây từ các nguồn chính, gồm: Trung Quốc 397 triệu USD, tăng 27%; Hoa Kỳ khoảng 206 triệu USD, tăng 14%; Australia khoảng 57 triệu USD, tăng 76,6%. Tiếp đến là nhập khẩu từ các nguồn Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan".

Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Các mặt hàng trái cây mà Việt Nam đã nhập khẩu nhiều trong 7 tháng năm 2024 đều là trái cây ôn đới, gồm: táo, lê, lựu, nho, mận và rau củ.

Về nguyên nhân nhập khẩu rau quả có xu hướng tăng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết chỉ nhập những sản phẩm mà thị trường Việt Nam không có, hoặc có rất ít, để đa dạng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nội địa. Mặc dù, nhập khẩu trái cây tăng mạnh, nhưng tính trong 7 tháng năm 2024, ngành rau quả vẫn đang xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.

XUẤT KHẨU TRÁI CÂY: 80% VÀO THỊ TRƯỜNG ĐÔNG BẮC Á

Phân tích kỹ hơn về xuất khẩu trái cây trong 7 tháng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đáng chú ý, trong cơ cấu xuất khẩu, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... chiếm tới 80% kim ngạch; 20% còn lại là châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông.

Hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Trung Quốc, Việt Nam đang xuất khẩu 14 mặt hàng rau quả gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, sầu riêng, khoai lang, dừa, ngoài ra tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.

Hiện nay, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu quả có múi (bưởi), dược liệu và trái sầu riêng đông lạnh.

 

"Khi ký hiệp định thương mại tự do Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vì đã giảm thuế nhập khẩu nên các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật. Đây là rào cản, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần liên tục cập nhật quy định xuất khẩu của  các nước Đông Bắc Á để kịp thời đáp ứng”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam là Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long (trắng, đỏ), xoài, bưởi từ Việt Nam.

Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu rau quả của Việt Nam, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 157 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.

Với Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long, xoài, nhãn vải và đang đàm phán để xuất khẩu trái bưởi.

"Trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam, với GDP cao, sẵn sàng chi tiêu cho mặt hàng rau quả", ông Nguyên nhận định, đồng thời cho biết Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu tiêu thụ rau quả cao, đã là khách hàng truyền thống của nhiều loại trái cây Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đông dân, có thu nhập cao, có nhu cầu lớn về nông sản, trái cây chất lượng

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm.

“Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trên không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics và duy trì được chất lượng nông sản so với khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ. Tuy vậy, khi ký hiệp định thương mại tự do, vì đã giảm thuế nhập khẩu nên các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật. Đây là rào cản, đòi hỏi Việt Nam cần liên tục cập nhật quy định xuất khẩu của họ để kịp thời đáp ứng”, ông Nguyên phân tích.

KỲ VỌNG VÀO NHIỀU TRÁI CÂY MỚI

Trong 7 tháng năm 2024, sầu riêng vẫn đang cho kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong ngành hàng trái cây, với kim ngạch khoảng 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết do sầu riêng rớt vụ nên kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 7 cũng bị ảnh hưởng, thấp hơn so với các tháng trước. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt giá trị cao nhất vào thời điểm tháng 9 và 10, với giá trị gần 500 triệu USD mỗi tháng. Tây Nguyên là vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, khi khu vực này bước vào vụ thu hoạch rộ sẽ thúc đẩy kim ngạch của những tháng sắp tới tăng mạnh.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 11 loại rau quả vào thị trường Trung Quốc, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Hiện hai bên đã nhất trí sớm hoàn tất cả thủ tục để ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch quả dừa tươi trong thời gian tới, sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.

Ông Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre cho hay, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác. Nếu dừa tươi của Việt Nam mở cửa được tại thị trường này, xuất khẩu dừa sẽ có bước đột phá.

Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan.

“Nếu Nghị định thư xuất khẩu được ký, các doanh nghiệp khai thác tốt lợi thế mình có, thì ngành dừa nước ta có thể thu thêm khoảng 300 triệu USD từ thị trường Trung Quốc. Vài năm nữa, ngành dừa Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan để đem về kim ngạch tỷ USD”, ông Nguyên dự báo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate