June 10, 2024 | 18:00 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng năm 2024 có thể đạt 4,4 tỷ USD

Chu Khôi -

Với kết quả 3,6 tỷ USD đạt được trong 5 tháng đầu năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng của năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023…

Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đem về 3,6 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đem về 3,6 tỷ USD.

Ngày 10/6/2024, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên 2024, với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp hội viên và đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính, Ngoại giao… 

HOA KỲ LÀ THỊ TRƯỜNG TĂNG TRƯỞNG TỐT NHẤT

Báo cáo tại hội nghị, VASEP cho biết kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 vẫn nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong đó, căng thẳng địa chính trị giữa một số quốc gia leo thang đã đẩy giá vận tải, dịch vụ, tăng trở lại.

Cùng với đó, những bất lợi trong cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ, Châu Âu đang làm chậm lại tiến trình bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Cạnh tranh thương mại - công nghệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng là những yếu tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng là một trong những tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu. Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các qui định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.

 

“Các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ cho thấy có sự phục hồi so với năm 2023. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2022, nhưng đây được đánh giá là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành”.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước...

Phân tích rõ hơn, ông Hòe cho hay trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (tăng 22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.

Trong Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực hơn, với mức tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt 605 triệu USD, với 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng chi phối là tôm, cá ngừ, cá tra.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 580 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm và cá tra là mặt hàng chủ lực sang thị trường Trung Quốc, chiếm lần lượt 42% và 35%. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm sâu 44% (chủ yếu giảm phân khúc cá phi le, trong khi cá nguyên con và bong bóng cá tra vẫn tăng). Trong khi đó, xuất khẩu tôm tăng 40% nhờ tăng mạnh tôm hùm và tôm chân trắng.

Xuất khẩu các sản phẩm cá biển sang thị trường Trung Quốc giảm gần 40%. Bù lại xuất khẩu cua sang thị trường này bứt phá gấp 7 lần cũng nhờ tăng mạnh cua sống phục vụ cho phân khúc dịch vụ, nhà hàng, khách sạn của thị trường này.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 582 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 380 triệu USD, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 300 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023.

GIẢI QUYẾT HẾT TỒN KHO TRONG QUÝ 3, TĂNG TỐC XUẤT KHẨU TRONG QUÝ 4

Theo lãnh đạo VASEP, hiện tại xuất khẩu thủy sản vẫn chưa hết khó khăn. Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

Trong khi đó, việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập. Tuy vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

 

”Kỳ vọng sang quý 3, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại, đến quý 4 là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm thì xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc để đạt tăng trưởng cao”.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tôm, cá tra, hải sản cũng trình bày các tham luận về nhu cầu thị trường và mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2024, kiến nghị xây dựng hình ảnh và quảng bá cho cá tra Việt Nam, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ, tiềm năng xuất khẩu mực-bạch tuộc, surimi của Việt Nam, những nỗ lực của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong tháo gỡ thẻ vàng IUU…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao vai trò của VASEP trong bối cảnh ngành phải đối mặt với rất nhiều thách thức hiện tại.

Thứ trưởng mong muốn VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, giữa doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế, đưa thủy sản Việt Nam ra thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững của ngành, giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản.

Khoảng 250 doanh nghiệp thủy sản tham dự hội nghị.
Khoảng 250 doanh nghiệp thủy sản tham dự hội nghị.

Thứ tưởng cũng đề nghị từ nay đến cuối năm 2024, VASEP tập trung vào một số nhiệm vụ  sau: Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường.

Đồng thời thông báo kịp thời tới Bộ, Ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để xử lý kịp thời, chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu.

Mặt khác, tiếp tục vận động Hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị toàn ngành thủy sản cần thúc đẩy xuất khẩu để hoàn thành mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD năm 2024. 

"Sự đồng lòng của các thành viên Hiệp hội cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triể nông thôn và các cơ quan Bộ ngành sẽ giúp ngành vượt qua thách thức và tiếp tục phát triển lớn mạnh, khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate