April 28, 2025 | 11:41 GMT+7

Xuất khẩu tôm trong quý 2 sẽ tăng mạnh do Hoa Kỳ đẩy mạnh tích trữ hàng

Chu Khôi -

VASEP vừa đưa ra dự báo, xuất khẩu thuỷ sản, trong đó có mặt hàng tôm sang Hoa Kỳ trong tháng 4 và tháng 5/2025 sẽ tăng mạnh, tuy nhiên nhiều khả năng suy giảm trong quý 3. Nguyên nhân là do các đối tác đã tăng nhập khẩu trong quý 2, sang đến quý 3 sẽ đầy kho, nên nhu cầu nhập khẩu giảm…

Các nhà xuất khẩu tôm đang "chạy đua" với thời gian để vận chuyển hàng sang Hoa Kỳ.
Các nhà xuất khẩu tôm đang "chạy đua" với thời gian để vận chuyển hàng sang Hoa Kỳ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4/2025 tăng mạnh, dự tính sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thúy sản ước đạt khoảng 3,45 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

XUẤT KHẨU TÔM TĂNG TRƯỞNG CAO

Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu trong tháng 4/2025 dự tính đạt 350 triệu USD, tăng 24% so với tháng 4/2024; đưa kết quả xuất khẩu tôm 4 tháng lên gần 1,3 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong quý 1/2025, xuất khẩu tôm đem về 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và khối CPTPP.

Về thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam trong quý 1/2025, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là điểm sáng lớn nhất với tổng kim ngạch đạt 288 triệu USD, tăng tới 125%. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường này tiếp tục tăng mạnh. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 134 triệu USD, tăng 11% nhờ nhu cầu tại thị trường này tăng. Bên cạnh đó, Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2025, diễn ra từ ngày 16–18/3 tại Boston, cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

 

"Trong tháng tới (5/2025), xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mục tiêu đạt 4 tỷ USD trong năm 2025 vẫn rất thách thức do ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ và áp lực cạnh tranh toàn cầu".

Bà Kim Thu, Chuyên gia ngành hàng tôm của VASEP.

Về giá tôm xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường có mức giá cao nhất. Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng sang Hoa Kỳ trong tháng 4/2025 đạt 10,9 USD/kg, giá tôm sú ở mức 17,7 USD/kg – ổn định hơn so với các thị trường khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tôm Việt Nam còn đối mặt với thách thức về thuế quan và sự cạnh tranh. Từ ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp thuế quan đối ứng với tất cả các quốc gia nhằm giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Như vậy, doanh nghiệp tôm Việt Nam phải đối mặt với thuế nhập khẩu mới cùng với sức ép từ 2 vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Mỹ.

Tuy nhiên, thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ áp lên hàng hoá Việt Nam đã được tạm hoãn, nhờ vậy xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này vẫn duy trì tăng trưởng trong tháng 4/2025, dự tính sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5/2025.

Tại thị trường EU, xuất khẩu tôm trong quý 1/2025 đạt 107 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 33% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng đi EU đang đi ngang (7,6 USD/kg), trong khi giá tôm sú tăng nhẹ lên 10,9 USD/kg trong tháng 3.

Tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, xuất khẩu tôm lần lượt đạt 124 triệu USD (tăng 20%) và 77 triệu USD (tăng 16%). Đáng chú ý, thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao với tôm chế biến và sản phẩm đông lạnh tiện lợi.

Xuất khẩu tôm sang khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 269 triệu USD trong quý đầu năm (tăng 40%), tăng tốt nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào Nhật Bản và Canada. Trong khi đó, các thị trường nhỏ khác (ngoài top) có xu hướng giảm, cho thấy còn nhiều bất ổn, đặc biệt do chi phí logistics cao và rào cản kỹ thuật.

CÁC NHÀ XUẤT KHẨU CHÂU Á CHẠY ĐUA VẬN CHUYỂN TRƯỚC 20/5

VASEP cho biết hiện các nhà chế biến thủy sản tại Ấn Độ và Đông Nam Á đang gấp rút vận chuyển sản phẩm sang Hoa Kỳ trong khoảng từ ngày 15/4 đến 20/5/2025, nhằm đảm bảo hàng đến nơi trước ngày 9/7 – thời điểm được xem là hạn chót để tránh các mức thuế quan bổ sung do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt.

Theo nhiều nguồn tin trong ngành, mốc thời gian này được tính toán dựa trên thời gian vận chuyển trung bình: 36-38 ngày đến các cảng Bờ Tây Hoa Kỳ, 40-50 ngày đến các cảng Bờ Đông và 50-55 ngày nếu qua Thái Bình Dương đến Houston, Texas. Do đó, khung thời gian từ 15-20/5 là "cửa sổ vàng" để đảm bảo hàng hóa kịp đến trước ngày 9/7, được cộng đồng doanh nghiệp nhất trí là ngày hàng phải đến nơi, không phải ngày khởi hành hay quá cảnh.

Giám đốc điều hành tại công ty chế biến tôm lớn ở châu Á cho biết: "Chúng tôi xem ngày 20/5 là hạn cuối cùng. Vẫn còn rủi ro, vì các hãng tàu có thể hoãn chuyến mà không báo trước. Nhưng ngày 20/5 là tương đối an toàn, ít nhất là với hàng đi Bờ Tây".

Đồng tình, một CEO khác cũng cho biết cạnh tranh đặt chỗ tàu từ châu Á sang Hoa Kỳ đang gia tăng, trong bối cảnh lo ngại về tắc nghẽn cảng và cước vận tải leo thang.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ cũng đang tăng tốc nhập hàng, với kỳ vọng tránh được mức thuế mới, có thể lên tới 46%. Theo quy định trong sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, mức thuế hiện tại 10% sẽ được nâng đáng kể sau ngày 9/7, cụ thể: Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Thái Lan 36% và Việt Nam 46%.

Luật sư thương mại Jessica Rifkin của công ty Olsson Frank Weeda xác nhận, các sản phẩm thủy sản phải đến Hoa Kỳ trước ngày 9/7 mới tránh được thuế suất mới. "Không có ngoại lệ tự động nào cho hàng hóa đang quá cảnh vào thời điểm thuế có hiệu lực",  bà Jessica Rifkin cảnh báo.

Trong bối cảnh đó, lượng thủy sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng vọt trong vài tháng tới. Ngay trong tháng 2/2025, lượng tôm đông lạnh nhập khẩu đạt 141 triệu pound, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ do Undercurrent News tổng hợp.

Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Hoa Kỳ, theo sau là Ecuador – quốc gia sẽ giữ nguyên mức thuế 10% sau ngày 9/7 và có thể giành lợi thế cạnh tranh đáng kể. Các nhà xuất khẩu từ Indonesia, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ đối mặt với chi phí cao hơn nhiều nếu không kịp chuyển hàng trước hạn chót.

Một số doanh nghiệp Ấn Độ vẫn kỳ vọng  Tổng thống Trump có thể thay đổi quyết định hoặc kéo dài thời hạn. "Tôi nghĩ sau ngày 9/7, khả năng thuế 10% tiếp tục tồn tại là có, còn việc nâng lên 26% thì ít khả năng, đặc biệt nếu Ấn Độ đạt được một thỏa thuận thương mại”, một nhà cung cấp tôm từ Ấn Độ nhận định.

Nhưng cho dù sau ngày 9/7, Hoa Kỳ có tăng thuế đối ứng lên hàng hoá từ các quốc gia nhập khẩu vào Hoa Kỳ hay không, thì trong quý 3 nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản nói chung, nhập khẩu tôm nói riêng tại Hoa Kỳ sẽ giảm. Nguyên nhân là bởi các nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ đã tăng cường nhập khẩu trong quý 1, dẫn đến từ tháng 7 trở đi đã đầy kho.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate