Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/1, trong kỳ 1 tháng 1/2024 (từ ngày 1/01 đến hết ngày 15/01/2024), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4,1%; nhập khẩu tăng 6,8%.
Cụ thể, về xuất khẩu, tính đến hết ngày 15/1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,02 tỷ USD, tăng 10,4%, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,06 tỷ USD, tăng 1,9%, chiếm 73,3%.
Tính đến hết ngày 15/01/2024 có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tính đến hết ngày 15/01/2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản sơ bộ đạt 108 triệu USD, chiếm 0,7%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 13,35 tỷ USD, chiếm 88,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 8,7%; nhóm hàng thủy sản đạt 318 triệu USD, chiếm 2,1%.
Từ chiều ngược lại, tính đến hết ngày 15/01/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 14,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,22 tỷ USD, tăng 19,1%, chiếm 35,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,48 tỷ USD, tăng 1,1%, chiếm 64,5%.
Tính đến hết ngày 15/01/2024 có 2 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 42,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tính đến hết ngày 15/01/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 13,83 tỷ USD, chiếm 94,1%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 48,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 45,5%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng sơ bộ đạt 0,87 tỷ USD, chiếm 5,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa kỳ 1 tháng Một sơ bộ xuất siêu 0,38 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,73 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,19 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,57 tỷ USD.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực ngay từ đầu năm, song theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, một số nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Hơn nữa, các thị trường phát triển như châu Âu chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023, Bộ Công Thương cho rằng rất cần sự triển khai đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng động doanh nghiệp xuất nhập khẩu.