Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong trong kỳ 1 tháng 10/2021 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2021).
Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 26,14 tỷ USD, giảm 10,1% (tương ứng giảm 2,93 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2021.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10/2021 đạt 510,46 tỷ USD, tăng 23,6%, tương ứng tăng 97,36 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 353,93 tỷ USD, tăng 26,5% (tương ứng tăng tới 74,18 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 156,53 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 23,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong kỳ 1 tháng 10/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 173 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,44 tỷ USD.
ĐIỆN THOẠI VÀ LINH KIỆN DẪN ĐẦU VỀ XUẤT KHẨU
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 13,16 tỷ USD, giảm 14,9% (tương ứng giảm 2,31 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 9/2021.
Trong đó, một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,04 tỷ USD, tương ứng giảm 37,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 848 triệu USD, tương ứng giảm 25,6%; sắt thép các loại giảm 297 triệu USD, tương ứng giảm 32,4%...
Như vậy, tính đến hết 15/10/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 254 tỷ USD, tăng 18% (tương ứng tăng 38,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 8,42 tỷ USD, tương ứng tăng 43%; sắt thép các loại tăng 5,12 tỷ USD, tương ứng tăng mạnh 135,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,25 tỷ USD, tương ứng tăng 12,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,07 tỷ USD, tương ứng tăng 10,3%... so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 18,5%, tương ứng giảm 2,1 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 9/2021.
Tính đến hết ngày 15/10/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt gần 186 tỷ USD, tăng 21,7%, tương ứng tăng 33,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
FDI CHIẾM HƠN 65% TỔNG TRỊ GIÁ NHẬP KHẨU
Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 12,98 tỷ USD, giảm 4,5% (tương ứng giảm 618 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2021.
Trong đó, một số nhóm hàng hóa có trị giá nhập khẩu giảm là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 464 triệu USD, tương ứng giảm 12,7%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 374 triệu USD, tương ứng giảm 30,3%...
Như vậy, tính đến hết 15/10/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 256,45 tỷ USD, tăng 29,6% (tương ứng tăng 58,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,96 tỷ USD, tương ứng tăng 18,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 8,65 tỷ USD, tương ứng tăng 30,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,06 tỷ USD, tương ứng tăng 35%... so với cùng kỳ năm 2020.
Trong kỳ 1 tháng 10/2021, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 8,5 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 1,03 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 9/2021.
Tính đến hết ngày 15/10/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt gần 167,93 tỷ USD, tăng 32,4% (tương ứng tăng 41,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 65,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
NỖ LỰC CHINH PHỤC MỐC 600 TỶ USD
Theo dự báo của Bộ Công Thương, với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt 600 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, trong những tháng cuối năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.
Cùng với việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, sẽ khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu ngay sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Nam Á, Đông Á.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động đàm phán để phát triển các thị trường khu vực xa hơn, yêu cầu cao hơn như các thị trường thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu, Mỹ La tinh…
Đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tận dụng tối đa cơ hội của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ, kết nối,vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi để tạo thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu.
Về cán cân thương mại, Bộ Công Thương dự báo, nếu không có biến động lớn về dịch bệnh, những tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía Nam lấy lại đà tăng trưởng. Kết thúc cả năm 2021, cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng, nếu tình hình thuận lợi hơn, năm 2021, cả nước còn có thể xuất siêu.