Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo số liệu về tai nạn, sự cố hàng không và chỉ số an toàn hàng không lĩnh vực khai thác cảng hàng không, sân bay trong tháng 5/2024, tính từ ngày 15/4 đến ngày 14/5/2024.
Về tai nạn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong tháng 05/2024 không có tai nạn hàng không xảy ra tại các cảng hàng không, sân bay. Như vậy, 5 tháng đầu năm không có bất kỳ tai nạn hàng không nào xảy ra tại các cảng hàng không, sân bay.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, theo số liệu báo cáo của các đơn vị, Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận 165 sự cố, vụ việc thuộc lĩnh vực khai thác cảng hàng không. Trong đó có 147 vụ việc uy hiếp an toàn mức E và 18 sự cố mức D.
Về sự cố hàng không, theo số liệu báo cáo của các đơn vị, tính đến ngày 14/5, có 29 sự cố, vụ việc thuộc lĩnh vực khai thác cảng hàng không, trong đó 25 vụ việc uy hiếp an toàn mức E (các vụ việc không uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không nhưng có ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay).
Cùng với đó là 4 sự cố mức D (sự cố phương tiện va chạm với phương tiện, trang thiết bị hoặc với người; sự cố làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay).
So sánh với tháng trước, sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn của tháng 5/2024 giảm 7 sự cố. Phân loại theo mức độ uy hiếp an toàn, theo báo cáo của Cục Hàng không, chiếm phần lớn là chỉ số sự cố máy bay là 21 vụ việc, giảm 2 vụ so với tháng 4/2024. Cùng với đó, có 2 vụ sự cố xảy ra trên đường cất hạ cánh cùng 02 sự cố hành khách bị thương.
Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ ra nguyên nhân của các sự cố này là do máy bay đỗ không đúng vạch dừng bánh mũi (11 trường hợp), máy bay bị chiếu đèn lazer (4 vụ việc), 03 vụ va chạm tàu bay với phương tiện, thiết bị mặt đất; 01 sự cố vật thể bay, 01 sự cố vi phạm khoảng cách an toàn với máy bay, phát hiện 01 trường hợp động vật xâm nhập khu bay…
Trước đó, năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam nhận được 334 báo cáo an toàn. Trong đó có 01 tai nạn liên quan đến hoạt động hàng không chung trên loại tàu bay BELL 505 của Công ty trực thăng miền Bắc tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng khiến 5 người thiệt mạng; 02 sự cố nghiêm trọng do mất phân cách giữa 2 tàu bay đang cất cánh và hạ cánh; 05 sự cố mức C; 97 sự cố mức D và 236 vụ việc ở mức E phải báo cáo.
So sánh với cùng kỳ, các chỉ số có xu hướng giảm. Chỉ số sự cố mức C (-37%), chỉ số sự cố mức D (-2%) và chỉ số tổng số sự cố tai nạn giảm 3%. Tuy nhiên vẫn xảy ra 01 tai nạn và 02 sự cố nghiêm trọng mức B, điều này cho thấy số lượng các sự cố tuy giảm nhưng mức độ nghiêm trọng có xu hướng tăng.
Trên cơ sở rủi ro đã được nhận diện, hội đồng kiểm soát rủi ro an toàn hàng không đã tiến hành phân tích, đánh giá và bổ sung giải pháp phòng ngừa để nâng cao chỉ số an toàn và giảm thiểu mức độ sự cố.
Số lượng vụ việc do chim va đập tàu bay có xu hướng giảm mạnh cho thấy công tác kiểm soát đã được thực hiện hiệu quả.
Nhóm nguyên nhân về yếu tố kỹ thuật có xu hướng tăng tuy nhiên không có yếu tố của sai lỗi bảo dưỡng hay hệ thống quản lý bảo dưỡng. Nguyên nhân kỹ thuật tăng cũng cùng chung với xu hướng của thế giới do máy bay giai đoạn này phải dừng lâu ngày không khai thác.
Nguyên nhân yếu tố con người liên quan đến việc không tuân thủ quy trình khai thác tiêu chuẩn đã có xu hướng giảm so với năm trước, thể hiện qua chỉ số trên 1.000 chuyến bay, tuy nhiên năm 2023 vẫn ghi nhận 02 sự cố mức B có nguyên nhân trực tiếp do yếu tố con người .