Nhưng dù tốt hay xấu, năm 2022 cũng là năm đánh dấu sự hoàn tất của một chu kỳ phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và năm 2023 sẽ là năm bắt đầu của chu kỳ mới.
2021: TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP ĐẠT ĐỈNH
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ góc độ giá trị phát hành mới và giá trị trái phiếu lưu hành, đã lặng lẽ đạt đỉnh của một chu kỳ vào năm 2021. Giá trị phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 là 658 nghìn tỷ đồng, đã đưa trái phiếu doanh nghiệp trở thành nguồn cấp vốn mới lớn thứ 2 trong năm từ thị trường tài chính cho nền kinh tế. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong năm 2021 đã tương đương 53% tổng tín dụng cấp mới trong năm (1.251 nghìn tỷ đồng).
Với xu hướng tăng mạnh giá trị phát hành mới trong giai đoạn 2017-2021 để cấp vốn cho các ngành bất động sản, tiện ích và ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một nguồn cấp vốn quan trọng, dù không nổi bật trên các bản tin về thị trường tài chính. Phần vốn được cung cấp mới hàng năm từ trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2021 đã lớn hơn đáng kể so với phần cấp vốn từ thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường cổ phiếu, tương đương 28% tổng nguồn cung vốn mới từ thị trường tài chính trong năm 2021. Trong giai đoạn 2017-2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính theo giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, đã tăng bình quân 50%/năm.
2022: KHỞI ĐẦU MỘT CHU KỲ MỚI
Trong năm 2022, cảm xúc được tạo nên bởi các thay đổi với tốc độ chưa từng thấy. Sau ba quý bắt đầu từ tháng 4/2022 và những sự kiện dồn dập trong 2 tháng cuối năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chính thức chuyển trạng thái, bắt đầu một giai đoạn mới và khởi đầu một chu kỳ mới.
Trong giai đoạn cũ, thị trường đã đạt được sự tăng trưởng nhanh về quy mô do sự gia tăng mạnh cả về cung và cầu. Sự phát hành dễ dàng đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và sự gia tăng nhu cầu đầu tư sản phẩm tài chính an toàn có lợi tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng của người đầu tư cá nhân là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng đột biến. Bên cạnh đó, chất xúc tác cho sự bùng nổ là hệ thống phân phối trái phiếu tới người đầu tư cá nhân đã hoạt động nhịp nhàng.
Tại thời điểm quý 1/2022, cấu trúc cung và cầu nêu trên đã đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới mức có thể gây nên những thiệt hại lâu dài. Và các điều chỉnh là cần thiết. Thay đổi khuôn khổ pháp lý thay đổi đã chính thức đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp sang một giai đoạn mới.
Trong trung hạn và năm 2023, trái phiếu doanh nghiệp sẽ trải qua một giai đoạn điều chỉnh rõ rệt khi các quy định pháp luật mới đã làm hạn chế cả cung và cầu. Khả năng phát hành của các doanh nghiệp trong các nhóm ngành, đã từng là đối tượng phát hành chính trong giai đoạn tới năm 2021, suy giảm mạnh khi sẽ không thể thực hiện theo cách cũ và đại đa số người đầu tư cá nhân, đã đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 2018-2021, sẽ không mua được dễ dàng như trước.
Sự suy giảm rõ rệt về lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong quý 4/2022 (2,3 nghìn tỷ đồng) với với quý 3 (67,3 nghìn tỷ đồng) đã là tín hiệu rõ ràng để dự báo sự suy giảm về quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023-2024 khi lượng phát hành mới sẽ thấp hơn giá trị trái phiếu đáo hạn.
2025: BẮT ĐẦU MỘT CHU KỲ TĂNG TRƯỞNG MỚI?
Nhìn từ góc độ khác, các điều chỉnh về khuôn khổ pháp luật và nhận thức về trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đã mở ra một chu kỳ mới cho sự phát triển của thị trường, một chu kỳ phát triển ổn định hơn, thực chất và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Điểm sáng có thể nhận thấy là chu kỳ suy giảm về quy mô thị trường sẽ không kéo dài, dự kiến sẽ trong hai năm 2023-2024. Theo nhận định của VIS Rating, chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ năm 2025 dựa trên nhiều lý do, trong đó thay đổi khuôn khổ pháp lý và nhu cầu là các động lực chính. Có 6 lý do có thể nhận thấy:
Thứ nhất, Luật Chứng khoán đang được thay đổi để việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng được thuận lợi. Trong trường hợp tốt, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng sẽ được khai thông từ nửa sau năm 2023. Số liệu đã cho thấy, nhà đầu tư cá nhân là nhóm người đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới nhiều nhất trên thị trường trong giai đoạn 2018-2022 đồng thời là nhóm người đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều thứ hai sau các ngân hàng, sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn mới không thể thiếu vai trò của người đầu tư cá nhân. Các trái phiếu phát hành ra công chúng có thể được mua bởi mọi người đầu tư cá nhân.
Thứ hai, Luật Bất động sản sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2023 và có hiệu lực từ năm 2024 sẽ mở ra chu kỳ mới về phát triển bất động sản. Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với ngành bất động sản là hiện hữu do trái phiếu doanh nghiệp là nguồn cấp vốn lớn thứ 3 để tài trợ cho các dự án mới sau vốn tự có và vay ngân hàng. Chu kỳ phát triển bất động sản mới sẽ cần vốn mới.
Thứ ba, chu kỳ lạm phát toàn cầu và tại Việt nam sẽ có xu hướng kết thúc từ cuối năm 2023. Điều kiện cần cho sự gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là lãi suất tiền gửi ngân hàng và lãi suất phát hành thấp. Khi lạm phát nguội đi và tiếp theo là điều chỉnh giảm của lãi suất, điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ xuất hiện.
Thứ tư, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ gia tăng mạnh khi lượng trái phiếu đáo hạn trong hai năm 2023 và 2024 lên tới 679,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 49% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tại tháng 12 năm 2022. Nhu cầu phát hành trái phiếu mới để thay thế các trái phiếu doanh nghiệp là rõ rệt đối với hệ thống ngân hàng. Xét từ góc độ huy động vốn tài trợ cho dự án và hoạt động, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát hành để duy trì nguồn cung cấp vốn.
Thứ năm, với sự ổn định lại và đi vào khuôn khổ, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ quay lại từ các tổ chức đầu tư lớn trên thị trường. Các quy định hiện tại đang hạn chế các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Các quy định này sẽ được tháo bỏ khi việc các rủi ro hệ thống khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giảm dần.
Cuối cùng và dễ nhận thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường sẽ giúp người đầu tư có sự phân biệt rõ ràng hơn về rủi ro tín dụng của các tổ chức phát hành và chất lượng tín dụng của các trái phiếu. Tập quán sử dụng xếp hạng tín nhiệm sẽ hình thành và giúp lấy lại lòng tin của người đầu tư.
Nhìn lại chu kỳ cũ, hướng tới năm Quý Mão, kỳ vọng chu kỳ mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ như mèo nhảy cao sau cú tiếp đất nhẹ nhàng trong năm mới.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam