Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường nâng cao biện pháp bảo đảm an toàn hàng không.
Chỉ thị được ban hành trong điều kiện do ảnh hưởng của lệnh triệu hồi động cơ PW1100 khiến cho đội tàu bay A321NEO của các hãng hàng không Việt Nam phải tạm dừng khai thác với số lượng lớn (22/45 tàu bay) gây ra tình trạng thiếu tàu bay.
Tính đến đầu tháng 5/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023.
Trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam phải kể đến là do Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Điều này ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới.
Các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air nên sự việc này làm cho một số tàu bay phải dừng khai thác trong năm 2024 - 2025 và thời điểm dừng tàu bay bắt đầu từ tháng 01/2024.
Đáng nói, thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến hệ thống bị thiếu phụ tùng thay thế, dẫn tới kéo dài thời gian kiểm tra, sửa chữa động cơ kéo dài. Theo đó, năm 2019 chỉ cần 75 ngày thì hiện nay theo thông báo của PW cần 140-160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.
Do vậy, để đảm bảo sử dụng tàu bay hiệu quả, an toàn, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay chủ động rà soát tổng thể quy trình bảo dưỡng, tối ưu hoá kế hoạch bảo dưỡng.
Đồng thời, sắp xếp đầy đủ thời gian cho công tác bảo dưỡng tàu bay và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phụ tùng, thiết bị, dụng cụ phục vụ bảo dưỡng tàu bay nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục triệt để hỏng hóc, đảm bảo tàu bay được đưa vào khai thác ở trạng thái tốt nhất.
Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay tổ chức triển khai và duy trì hoạt động giám sát công tác bảo dưỡng để đảm bảo hoạt động bảo dưỡng được thực hiện đầy đủ, theo đúng quy trình và tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, các quy định an toàn trong hoạt động bảo dưỡng.
"Cần đảm bảo thực hiện đầy đủ công tác huấn luyện định kỳ đối với nhân viên hàng không, bổ sung các nội dung đã được nhận diện thông qua hệ thống điều tra an toàn vào nội dung huấn luyện", Cục Hàng không Việt Nam lưu ý.
Đồng thời quán triệt đội ngũ người lái tàu bay triệt để tuân thủ các chính sách quy định, quy trình khai thác tiêu chuẩn đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi, nghiêm túc tuân thủ các quy định tại các Chỉ thị an toàn của Cục Hàng không Việt Nam.
Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay cần rà soát, đánh giá quy trình cấp nhân nhượng do Cục Hàng không Việt Nam uỷ quyền phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người khai thác tàu bay tuyệt đối không được lạm dụng nhân nhượng là cách thức để kéo dài thời gian khắc phục hỏng hóc.
Thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong Chương trình quản lý an toàn, chú trọng công tác báo cáo bắt buộc, báo cáo tự nguyện, nâng cao văn hoá an toàn, đảm bảo các sự vụ được điều tra phân tích nguyên nhân và có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các Cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại sân đỗ tàu bay, đảm bảo công tác bảo dưỡng tàu bay được thực hiện bởi nhân viên kỹ thuật có giấy phép, chứng chỉ phù hợp. Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong công tác khai thác, bảo dưỡng tàu bay.