Dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 9/11, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khái niệm ứng phó với khủng hoảng đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, là một khái niệm tương đối xa lạ và chưa được xem trọng.
Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó. Chính vì thế, khi khủng hoảng xảy ra, đa phần các doanh nghiệp phải “loay hoay” tìm hướng đi hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Điều này tạo nên rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí là ngừng hoạt động.
“Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế”, bà Việt Anh nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp về khủng hoảng Covid-19 cho thấy có 7 yếu tố ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Đó là năng lực quản trị, thị trường, ngành nghề kinh doanh, quy mô vốn, khả năng huy động vốn, thời gian hoạt động và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong đó năng lực quản trị doanh nghiệp được các doanh nghiệp đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng (chiếm 32,9%).
Theo ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, bởi đây được coi là dòng máu, nguồn sinh lực nuôi sống doanh nghiệp.
Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực với các mức dự trữ tiền, tài sản phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất, tham gia vào các dự án mới hoặc ít nhất là có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng khoảng.
“Để hạn chế phần nào những tổn thất có thể xảy ra, doanh nghiệp cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để khi vốn kinh doanh nói chung và vốn lưu động nói riêng bị hao hụt, doanh nghiệp có thể có ngay nguồn bù đắp, đảm bảo cho quá trình hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục”, ông Văn nói.
Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường vụ Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng cho rằng yếu tố quản trị tốt ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều yếu tố bất định.
“Quản trị tốt cần được xem là tiêu chí doanh nghiệp cần phải tuân thủ. Giai đoạn đầu, Chính phủ có thể can thiệp thông qua các biện pháp khuyến khích áp dụng nhưng về lâu dài cần khuyến khích doanh nghiệp vượt trên cả sự tuân thủ, nghĩa là đặt tiêu chuẩn cao hơn so với những gì luật quy định”, ông Hiếu khuyến nghị.