Tham gia Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022 ngày 26/11, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, đã trình bày tham luận về 5 năm kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lượng logistic của Việt Nam đến năm 2025 theo Nghị quyết 200 của Thủ tướng Chính phủ.
NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC
Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 có 6 trụ cột chính gồm hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp; phát triển mở rộng thị trường cho doanh nghiệp; nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực; và một số nhiệm vụ khác.
Về chính sách pháp luật, 5 năm qua, hệ thống chính sách pháp luật liên quan tới logistics đã được hoàn thiện và tạo ra sự đồng bộ liên quan, giúp cho hàng hóa lưu thông nhanh hơn với chi phí thấp hơn và hiệu quả hơn.
Sau Quyết định 200 là Quyết định 221/QĐ-TTg đã hoàn thiện, bổ sung kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực và phát triển dịch vụ logistics. Tiếp đó là Nghị định 163 về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực logistics, Chỉ thị 21 về đẩy mạnh các giải pháp để kết nối hạ tầng giao thông cũng như là kết nối hạ tầng logistics... Bên cạnh đó là nhiều chuyên ngành, văn bản dưới luật được quy hoạch trong lĩnh vực giao thông vận tải trong lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi thương mại.
"Đặc biệt trong thời gian rất ngắn nữa thôi, chúng ta cũng sẽ có một nghị quyết của Chính phủ ban hành riêng về lĩnh vực logistics để thúc đẩy lĩnh vực này", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Về hạ tầng logistics, thời gian qua các hạ tầng liên quan như đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đã có sự phát triển đột phá và mạnh mẽ.
Ông Hải lấy ví dụ hệ thống đường cao tốc hiện nay đã vươn ra ở khắp các khu vực trung tâm kinh tế lớn. Vận tải biển cũng đang thúc đẩy mạnh và Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng các cảng container lớn trên thế giới... Bên cạnh đó, hệ thống trung tâm logistics, tức là hạ tầng tĩnh, cũng chứng kiến số lượng tăng mạnh.
Về năng lực của doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, 5 năm qua số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics, cụ thể là doanh nghiệp vận tải kho bãi, đã tăng lên đáng kể. Năm 2017, cả nước có khoảng 37.000 doanh nghiệp và tăng lên khoảng hơn 43.000 doanh nghiệp vào năm 2021. Trong đó có khoảng 5.000 doanh nghiệp là cung cấp dịch vụ giao nhận (TPL) liên quan đến quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Hải, một đặc điểm nổi bật là các doanh nghiệp logistics của Việt Nam đa số có quy mô vừa và nhỏ, lên tới 95%.
"Con số thực tế có thể còn lớn hơn. Các doanh nghiệp cũng còn nhiều điểm yếu và hạn chế về vốn, nguồn nhân lực và đặc biệt thiếu cái kinh nghiệm về hoạt động thương mại quốc tế, hoạt động logistics quốc tế", ông Hải nhận định.
Về thị trường, hoạt động logistics lượng hàng hóa vận chuyển, vận tải qua hình thức đường bộ vẫn đang chiếm một cái tỷ trọng rất lớn. Trong khi những cái phương thức như là đường biển, đường sắt thì tỷ trọng nhỏ hơn. Khối lượng hàng hóa vận chuyển và hàng hóa luân chuyển tăng trưởng đáng chú ý, lần lượt là 24% và 31%.
"Điều đó cho thấy sự lớn mạnh cũng như vai trò của ngành dịch vụ logistics trong đời sống kinh tế quốc dân", ông Hải nói.
Về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, từ năm 2017-2021, tăng trưởng từ 428 tỷ USD lên 668 tỷ USD và dự kiến năm nay sẽ vượt mốc 700 tỷ USD. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics cho nền kinh tế là khoảng 5-6%.
Về đào tạo và nâng cao nhân lực, thời gian qua đã có nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đưa ra những tiêu chuẩn và mã số ngành nghề để chúng ta có thể đào tạo.
Thống kê cho thấy, hiện nay có khoảng hơn 50 trường đại học trong nước đã có mã ngành, chuyên ngành đào tạo về logistics và khoảng hơn 60 trường cao đẳng đã có hoạt động đào tạo liên quan tới lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có một hiệp hội riêng để phát triển nhân lực logistics, nhằm phối hợp cung cấp nguồn lực cho các doanh nghiệp...
Còn theo xếp hạng theo chỉ số LPI của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã xếp thứ 39 trong số 160 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá. Còn theo xếp hạng Agility, Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 11 trong 50 nước đang phát triển và trong thị trường logistis mới nổi.
Theo ước lượng của Hiệp hội doanh nghiệp logistics, tốc độ phát triển của ngành logistics Việt Nam là từ 14-16%.
"Đây là con số tăng trưởng cao, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn như trong hai năm đại dịch vừa qua", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
"LOGISTICS LÀ THỜI CƠ VÀ CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC PHÉP BỎ QUA THỜI CƠ"
Đánh giá về xu hướng tương lai, đại diện Bộ Công thương cho rằng tình hình có nhiều thuận lợi, cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn.
Về mặt thuận lợi, nền kinh tế trong nước đang phục hồi tốt sau hai năm đại dịch, tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn đang rất cao, từ 14-16%. Bên cạnh đó là thuận lợi về mặt hội nhập khi Việt Nam tiếp tục có thêm các hiệp định thương mại tự do mới, tạo ra một nguồn cung hàng hóa tốt cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Cùng với đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Bên cạnh đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cũng là yếu tố rất là thuận lợi cho các doanh nghiệp của chúng ta.
Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức như các yếu tố bất định trên thế giới như khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, giá hòa dân số... Bên cạnh đó là thách thức về nguồn cung thị trường, khi mà các thị trường chính của Việt Nam đều đang đối mặt suy thoái và lạm phát, kéo theo đó là giảm cầu.
"Chính quá trình hội nhập cũng đặt ra những thách thức, trong đó có thách thức về vấn đề cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường của chúng ta", ông Hải chỉ ra.
Ngoài ra, bài toán nhân lực và bài toán công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics hiện nay cũng là một vấn đề rất nóng và mang lại nhiều thách thức.
Đại diện Bộ Công thương đưa ra một loạt kiến nghị như tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nhà nước, đồng bộ theo cơ chế thị trường và thích hợp với tiến độ phát triển kinh tế của đất nước; xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics; tiếp tục thúc đẩy cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là thu hút đầu tư trong nước.
Đại diện Bộ Công thương cũng nhấn mạnh rằng để phát triển ngành logistics nước nhà còn cần tới sự chủ động của chính doanh nghiệp.
"Đa số doanh nghiệp logistics của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ, nhưng nhỏ không có nghĩa là yếu và sự đoàn kết là yếu tố giúp nâng cao nội lực của chính các doanh nghiệp", ông Hải nhấn mạnh.
“Logistics là thời cơ của chúng ta, thời cơ ở đây là có cả yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa và chúng ta không được phép bỏ qua thời cơ đó. Bộ Công thương cùng với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp sẽ nỗ lực chung tay để biến thời cơ đó thành hiện thực, đưa ngành dịch vụ logistics trở thành một ngành dịch vụ thiết yếu, quan trọng và có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước”, ông Hải nói.