Theo đó, để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, phải lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Thứ ba, cần có chính sách đồng bộ, sự sẵn sàng của nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.
Thứ tư, hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết sự phát triển của thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thứ năm, để phát triển bền vững thị trường khoa học và công nghệ phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, phải lành mạnh, công khai và minh bạch.
6 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Một là, tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học và công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và chiến lược, chương trình phát triển khoa học và công nghệ của Chính phủ.
Hai là, tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Trong đó, thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán để phục vụ thương mại hoá sản phẩm.
Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm, kết nối liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới...
Ba là, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, và xã hội để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Bốn là, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi do trong hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Năm là, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Sáu là, xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ.
NHỮNG KHÓ KHĂN THÁCH THỨC
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khó khăn về nguồn vốn, bao gồm nguồn vốn từ ngân hàng đã có tác động tiêu cực, làm trì trệ và gây cản trở cho hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
So với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là các nước phát triển và với một số nước trong khu vực, thị trường khoa học và công nghệ nước ta còn chậm phát triển; thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học gặp nhiều khó khăn; hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học còn hạn chế, dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung hàng hoá khoa học, công nghệ;
Ngoài ra, hoạt động mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn hạn chế; các tổ chức trung gian còn yếu về năng lực, chưa có tổ chức trung gian chuyên ngành trong các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng, chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước để kết nối với thị trường khu vực và quốc tế;
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ còn lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể tham gia; cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số của thị trường khoa học và công nghệ chưa được đầu tư phát triển ngang tầm.
Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như: Nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò của thị trường khoa học và công nghệ trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đầy đủ và toàn diện; cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ;
Thêm vào đó, các tổ chức khoa học và công nghệ chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như một phương thức biến tri thức khoa học thành hàng hoá, thành năng lực sản xuất thực tế của xã hội; các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ chưa được quan tâm và đầu tư phù hợp; việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chưa được chú trọng;
Cuối cùng, việc liên kết thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam với thị trường quốc tế chưa được quan tâm đúng mức; chưa huy động và phát huy được tiềm năng, "chất xám" của đội ngũ các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; chưa có được chính sách ưu đãi, cần thiết để thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao.