Theo thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này ước đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47,6% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 110 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 44% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 65 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 43,3% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 2 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp Bình Thuận. Cụ thể, đó là Dự án Nhà máy sản xuất nhôm AME của Công ty TNHH Ame Aluminium và dự án chế biến xỉ titan Sông Bình của Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông với tổng diện tích đất cho thuê 11,99 ha, tổng vốn đầu tư đăng lý là 995 tỷ đồng và 3,6 triệu USD.
Ngoài ra, điều chỉnh tăng vốn 01 dự án của Công ty TNHH Hải Triều với số vốn tăng thêm là 40 tỷ đồng; cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất phân bón và chế phẩm sinh học hữu cơ vi sinh của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Chiến Thắng; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án…
Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận đã thu hút được 87 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 59 dự án trong nước và 28 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 17.000 tỷ đồng và 321,89 triệu USD với diện tích đất cho thuê 280,93 ha.
Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tương đối tốt quy định của pháp luật có liên quan về phòng cháy, chữa cháy, lao động, môi trường, xây dựng, an ninh trật tự.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tập trung triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác xác định giá đất cụ thể, đền bù giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp; đồng thời, thực hiện giao đất và chuẩn bị mặt bằng khởi công khu công nghiệp Tân Đức theo kế hoạch. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng đúng tiến độ. Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đôn đốc chủ đầu tư bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo kế hoạch bố trí vốn năm 2023.
Hiện Bình Thuận đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các nút giao liên thông, các tuyến đường kết nối từ cao tốc với hệ thống giao thông của tỉnh. Khai thác hiệu quả Cảng quốc tế Vĩnh Tân, kết nối đồng bộ giữa vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn để phát triển 3 trụ cột kinh tế “Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.